Tản mạn Diễm
Mỗi giai đoạn trong cuộc đời người ta, nghe lại những bài hát nhạc Trịnh, ngẫm ngợi và nhìn nhận một cách khác nhau.
https://youtu.be/Nn4eXxQn6b8
Cũng là bài hát ấy, Diễm xưa, hồi còn mười tám đôi mươi, tôi nghe như tiếng reo vui sau một cuộc chia tay mà người ta cho là vội vã, reo vui vì xa nhau rồi vẫn hoài niệm về nhau, về người xưa, về tình yêu, mà tình yêu thì không có đúng sai, chỉ có yêu và hết mà thôi, cho nên với tôi tình yêu dù có hết nhưng còn nhớ đến nhau thì là đều diễm lệ cả.
Nghe Diễm xưa thể hiện qua Nguyễn Đình Toàn với nhấn nhá ghi ta trong tâm thế hiện tại thì lại khác hẳn ngày xưa. Mỗi người ca sĩ, người hát, thể hiện nhạc Trịnh đều lồng vào đó những tâm tư thăm thẳm của lòng mình, người nghe cũng vậy, nên cảm nhận có khác nhau chăng?
Tôi chưa bao giờ thấy ở Diễm xưa cái nhếch môi giễu cợt hoặc thảng một nét thương hại. Chỉ thấy ở Diễm là cái gì đó mà người ta đã đi qua, để để vuột mất, nó đẹp, nó tinh khôi. Nhưng ta vẫn để trôi khỏi tầm tay, vì ai đi qua đời mình không có vài ba cuộc tình để lỡ…
Ở Diễm xưa, kể cả ca từ và tiết tấu, vẫn là những cái giản dị đời đấy, nhưng xa xôi, huyền hoặc mà chỉ có ở âm nhạc ca từ của Trịnh. Người ta không thấy cái ủy mị sướt mướt của sự nuổi tiếc, của sự đớn đau, mà tôi nghe như thấy cuộc đời con người ta vốn dĩ luôn phải chấp nhận những điều có không trên cuộc đời này như là cuộc sống vẫn vậy ấy.
Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ
Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua
Trên bước chân em âm thầm lá đổ
Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa
Đôi lúc con người ta chợt buồn, chợt nhớ những dĩ vãng, nhớ cũng chỉ là vì nó là một phần của trái tim. Có những thứ đi qua đời ta, nó để lại và tượng hình trong sâu thẳm trái tim mình, đôi lúc chỉ là không gian thôi, thời tiết ấy thôi nhưng đã chạm vào cái khắc khoải của thời xa vắng ấy. Nhưng nhớ cũng chỉ là để nhớ, nhớ và vui, hoặc nhớ và đớn đau đi chăng nữa thì cũng vẫn chỉ là lời nhắc nhớ mà người ta không muốn lặp lại. Chỉ là ”ngồi ngóng những chuyến mưa qua”.
Đôi lúc ta cứ bắt gặp ở lòng mình một câu hỏi, đời này sao lắm thờ ơ, hời hợt, tưởng sâu sắc ấy mà nông nổi ấy. Tưởng quan tâm mà quá thờ ơ. Ở mỗi cuộc tình, mỗi con người, họ lại tự đặt ra cho mình những danh giới và hạn định. Họ chấp nhận về họ sự ưu phiền và cả lời trách cứ chứ không bước qua qui chuẩn đạo đức. Ở đời, những điều cốt yếu bao giờ cũng vô hình trong con mắt chúng ta.
Chiều nay còn mưa sao em không lại
Nhỡ mai trong cơn đau vùi
Làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau
Bước chân em xin về mau
Lại một câu hỏi mà dường như không phải hỏi, không cần có bất cứ một sự trả lời nào. ” …Còn mưa sao em không lại…Làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau…” Cuộc đời mỗi người, có những người họ chỉ đi ngang qua đời ta, ta chưa được chạm vào nhưng ánh mắt nụ cười, tính cách họ đã là niềm yêu và luôn để lại trong ta nỗi nhớ. Cũng có những người, chạm vào ta và gặp gỡ nhau ở cái gọi là tình yêu, nhưng khi họ đi ra khỏi tim ta rồi, niềm vui và nỗi buồn ngang nhau.
Chạm vào thì nhớ đấy, nhưng biết là mãi mãi ta không thuộc về nơi chốn ấy, thì tiếc nuối làm gì, mà chỉ là chút bâng khuâng khi tim ta chạm vào nỗi nhớ.
Tôi bắt đầu thích nghe những người đàn ông hát nhạc Trịnh chứ không còn chỉ riêng là Khánh Ly. Cái trầm ấm, dày và sâu thẳm của nhiều ca sĩ nam hát nhạc Trịnh đã chạm đến đáy những miền lãng du trong tôi.
Đời cơ bản là buồn, đôi lúc tự hỏi, nếu ta chọn buồn làm lẽ thường ngày, chọn đi một mình trong tâm tư thì có hay không ta muốn chạm vào những cánh hoa, những cánh hoa ta vuốt ve trong lặng lẽ rồi từng chạm vào đó như được chạm vào bàn tay ai đó. Đời này, đôi lúc cứ lặng lẽ ngắm nhìn xa xôi hay hơn để ” người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”…Để rồi ”khi bước chân ta về, đêm khuya nhìn đường phố, thành phố hoang vu….”
https://www.facebook.com/Loan0574/posts/1449519191829609
Ca khúc Diễm Xưa 1 sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn…
YOUTUBE.COM
Tin cùng chuyên mục:
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố
Ukraine nói điều đáng sợ về tên lửa mới của Nga
Trừng phạt Nga hay cuộc ‘chiến tranh kinh tế’ tổng lực của phương Tây trên khắp thế giới