Vũ ‘nhôm’ và hai cựu tướng công an ra tòa
Sáng 28/1, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Phan Văn Anh Vũ (sinh năm 1975, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Xây dựng Bắc Nam 79, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Nova Bắc Nam 79; cựu Thượng tá, Phó Trưởng phòng Tổng cục V, Bộ Công an) và 4 đồng phạm.
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ
Trong đó, bị cáo Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) cùng 2 bị cáo: Nguyễn Hữu Bách (sinh năm 1963, cựu Đại tá, Phó Cục trưởng Cục B61, Tổng cục V, Bộ Công an), Phan Hữu Tuấn (sinh năm 1955, cựu Trung tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục V, Bộ Công an) bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về cùng tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 356, khoản 3 – Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Hai bị cáo: Bùi Văn Thành (sinh năm 1959, cựu Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an) và Trần Việt Tân (sinh năm 1955, cựu Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an) bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 285, khoản 2 – Bộ Luật Hình sự năm 1999.
Tổng cộng, có 10 luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo.
Tại phiên tòa, đại diện các tổ chức và một số cá nhân gồm: UBND Thành phố Hồ Chí Minh, UBND thành phố Đà Nẵng, Công ty TNHH I.V.C, Công ty cổ phần Novahome Madison, Công ty TNHH Madison, Công ty cổ phần đầu tư Park View, Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam… có mặt với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, quá trình điều hành Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 và Công ty Cổ phần Nova Bắc Nam 79, Phan Văn Anh Vũ đã lợi dụng danh nghĩa của Bộ Công an để đề nghị các bộ, ngành và chính quyền địa phương cho thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của các dự án nhà, đất công sản có diện tích lên tới hàng ngàn m2 ở các vị trí đắc địa tại hai thành phố lớn là Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, trái quy định của pháp luật như: Không qua đấu giá, xin giảm giá, giảm hệ số sinh lợi và nhiều ưu đãi khác… nhằm thu lợi cá nhân, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước, gây bức xúc trong dư luận, làm suy giảm uy tín của lực lượng Công an nhân dân.
Phan Hữu Tuấn và Nguyễn Hữu Bách đã trực tiếp tham mưu hoặc trình lãnh đạo Bộ Công an ký ban hành các văn bản gửi tới các Bộ, ngành, UBND thành phố Đà Nẵng và UBND Thành phố Hồ Chí Minh xin hỗ trợ, tạo điều kiện cho Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 và Công ty Cổ phần Nova Bắc Nam 79 trong các hoạt động thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất và tài sản trên đất, giúp sức tích cực cho Phan Văn Anh Vũ thực hiện các hành vi phạm tội.
Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nhận định, để xảy ra tội phạm trên là do sự thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý cán bộ, quản lý nghiệp vụ và quản lý tài sản công của Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân (đều nguyên là Thứ trưởng Bộ Công an); sự buông lỏng quản lý và vi phạm quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà, đất công sản của một số lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng và UBND Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong số các bị cáo, Phan Văn Anh Vũ đã lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp bình phong, với sự giúp đỡ của Nguyễn Hữu Bách, Phan Hữu Tuấn thông qua các văn bản nghiệp vụ để được thuê, nhận chuyển nhượng các bất động sản không phải qua đấu giá, trái quy định của Nhà nước. Thực tế, các văn bản này có tính chất yêu cầu các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan phải cho Phan Văn Anh Vũ được thuê, mua chỉ định; được hưởng các ưu đãi khi mua bán, chuyển nhượng các dự án nhà, đất công sản này với giá thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường; trái với quy định của pháp luật.
Sau khi thực hiện được việc thuê, mua hoặc chuyển nhượng các dự án nhà đất này, Phan Văn Anh Vũ không dùng vào mục đích phục vụ công tác nghiệp vụ mà chuyển thành tài sản mang tên cá nhân mình hoặc người thân trong gia đình hoặc chuyển nhượng, liên doanh với người khác nhằm thu lợi bất chính, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước, với tổng số tiền hơn 1.159 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, ban đầu bị cáo Phan Văn Anh Vũ thừa nhận hành vi phạm tội và có đơn xin giao nộp 7 tài sản do phạm tội mà có để khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, đến nay, Phan Văn Anh Vũ không thừa nhận hành vi phạm tội mà còn có đơn xin không giao nộp 7 tài sản này.
Hai bị cáo Nguyễn Hữu Bách và Phan Hữu Tuấn bị Viện Kiểm sát đánh giá là người trực tiếp quản lý, chỉ đạo hoạt động nghiệp vụ đối với Phan Văn Anh Vũ. Nguyễn Hữu Bách soạn thảo, ký nháy, còn Phan Hữu Tuấn trực tiếp ký ban hành hoặc ký nháy để tham mưu, trình lãnh đạo Bộ Công an ký ban hành các văn bản, tạo điều kiện và giúp sức tích cực cho Phan Văn Anh Vũ thực hiện các hành vi phạm tội đối với 6 dự án nhà đất công sản, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 1.134 tỷ đồng.
Bị cáo Bùi Văn Thành (bên phải), cựu Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an và bị cáo Trần Việt Tân (bên trái), cựu Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an tại phiên tòa. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Bị cáo Bùi Văn Thành đã thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo, kiểm tra, theo dõi việc thẩm định giá nhà, đất tại số 129 Pasteur (Phường 6, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh); không chỉ đạo để các đơn vị chức năng biết, quản lý, theo dõi cơ sở nhà, đất, phục vụ mục đích an ninh. Khi Phan Văn Anh Vũ chuyển nhượng nhà, đất này cho người khác nhưng Bùi Văn Thành đã không báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời ngăn chặn, dẫn đến gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước với số tiền gần 223 tỷ đồng.
Bị cáo Trần Việt Tân đã thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ trong Bộ Công an, để Phan Văn Anh Vũ lợi dụng chức vụ, quyền hạn và các văn bản của Bộ Công an xin nhận quyền sử dụng đất đối với các nhà, đất công sản tại thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh không qua đấu giá và không sử dụng vào công tác nghiệp vụ của ngành Công an, dẫn đến gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước với số tiền trên 155 tỷ đồng.
Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 3 ngày, từ 28 – 30/1.
Kim Anh – Nguyễn Cúc (TTXVN)
Tin cùng chuyên mục:
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Từ Đại biểu Quốc hội đến vòng lao lý
Luật sư Phan Hòa Nhựt đối mặt với đề nghị truy tố và mức án tối đa 15 năm tù
Việt Nam – Cột mốc quan trọng trên bản đồ đa phương toàn cầu
Hà Nội: Những chính sách nhân văn hướng đến người có công