Nhân cách của Kình già đã chết trước thân xác của hắn từ rất lâu

Người xem: 221

Vào lúc này, khi mà bài viết này đăng lên cũng là lúc Kình già được con cháu đưa về âm ti. Mình đăng lại cái cảm xúc của bạn Lê Lương Minh khi nói về Kình già Đồng Tâm.

Mình còn nhớ, mình đã khởi sự trong nghề luật với một nhóm bạn, trong đó có bạn Sếu. Sếu giờ làm ở Bộ Công thương. Bọn mình đơn giản là tin tưởng nhau, dù có thể là ko quá thân thiết.
 
Lần đầu tiên mình cãi nhau với Sếu, là khi xảy ra lũ lụt ở miền Trung. Lúc đó Sếu đã lập tức chuyển khoản cho một MC truyền hình số tiền là 500k hay 1M gì đó. Anh MC này, về sau được gọi là MC lũ, chắc các bạn đều biết.
 
Lúc đó, mình nói rã bọt mép về việc anh MC này không đáng tin, rằng anh ta không rõ ràng trong việc từ thiện. Sếu vẫn không thay đổi quan điểm, và Sếu bảo: Tao chỉ quan tâm là tao đã ủng hộ đồng bào tao với lòng thiện tâm. Còn tao không thấy những quỹ từ thiện của nhà nước đáng tin cậy hơn “anh í”.
 
Sự việc đó rồi cũng trôi qua. Nhưng nó khiến mình buộc phải chấp nhận một điều: Xã hội muôn màu muôn vẻ. Mình không thể đòi hỏi người khác cũng nghĩ như mình. Và rõ ràng thì Sếu ko phải người xấu, bạn ấy chỉ nghĩ khác mình về chuyện từ thiện.
 
Nhưng, nhiều lúc mình băn khoăn đâu là giới hạn?
 
Những cái hình ảnh về những thi thể cháy đen thui đang được chia sẻ trên mạng xã hội. Nhưng mình đã biết về nó từ đêm qua, bằng một vài quan sát rất cá nhân. Trí tưởng tượng nhiều lúc là kẻ thù của cảm xúc, khi nó giúp anh hình dung ra đầy đủ giờ phút cuối cùng của người chiến sĩ công an xấu số: Anh ấy đã chết thế nào, đã đau đớn ra sao, kẻ thủ ác đã ra tay dã man như thế nào …
 
Cú sốc về mặt tâm lý và cảm xúc đó hằn một vết ghê gớm lên tâm trạng, không cho phép mình làm được việc gì ra hồn trong mấy ngày qua.
 
Thậm chí nó làm mình thấy lợm giọng, khi thấy những bài viết cho rằng công an “đàn áp dân” nên “dân” mới phải chống đối, phải “phản kháng”. Có người nói đãi bôi “máu nào cũng là máu Việt Nam” để nhập nhèm giữa người chiến sĩ hi sinh và kẻ thủ ác bị tiêu diệt. Có kẻ lại cao giọng nói: Người trông phúc hậu như “cụ Kình” thì sao có thể là kẻ ác?
 
Mình hiểu rõ: Những tranh cãi về bằng chứng, về pháp lý sẽ không đi đến đâu. Khi não trạng của bạn đã không ưa chính quyền, thì bạn sẽ thấy những thi hài liệt sĩ cháy đen hoàn toàn là do lỗi của công an “đàn áp dân”. Khi bạn đã tin rằng “người dân” bị cướp đất, thì có 10 lần Thanh tra chính phủ công bố kết luận ở địa phương, bạn cũng xổ toẹt. Khi bạn chọn cách nghe lời “người dân” nói rằng họ đã “canh tác ổn định từ năm 1980”, thì kể các phi công chiến đấu kì cựu nhất của không quân nhân dân có đứng ra khẳng định sân bay được xây dựng từ thập niên 60, bạn cũng thây kệ.
 
Nói tóm lại, không thể thay đổi được não trạng của con người, khi nó chỉ lựa chọn những thông tin hợp khẩu vị với nó. Đây không phải là một nỗ lực chứng minh mình đúng hay bạn sai, vì mình hiểu rằng mình có cố gắng khách quan đến đâu, thì góc nhìn của mình vẫn là chủ quan và thiên lệch.
 
Đây chỉ là một sự bày tỏ cảm xúc, về việc trong ngày hôm nay, mình không biết nên chào hỏi như thế nào với những bạn bè của mình, những đồng nghiệp của mình, những luật sư, những luật gia, những giảng viên đã từng dạy mình trên giảng đường đại học. Các bạn đều biết, với nghề nghiệp của mình, và vị trí xã hội của mình, thì hàng ngày mình tiếp xúc với những kiểu người nào.
 
Mình không thể dễ dàng bỏ qua việc này, như câu chuyện cãi nhau với bạn Sếu ngày xưa. Vì một triệu đồng gửi nhầm địa chỉ, nó chỉ là tiền. Còn lần này, là máu
 
Còn mình, mình nghĩ về những người đã hi sinh, và về thái độ ứng xử của các “hải đăng cõi mạng”. Mình biết rõ những thứ mình nghĩ là thiêng liêng, thì người khác lại coi là tầm thường, và ngược lại.
 
Nhưng lần này, bằng cảm xúc của mình, mình kiên quyết giữ lại não trạng ngoan cố này. Não trạng đó nói rằng:
 
Tên giặc già Lê Đình Kình đã gặp may khi có thể chấm dứt cuộc đời của hắn, mà không phải trải qua một phiên tòa nào. Đám tang của hắn, sẽ được cử hành cùng thời điểm với đám tang của ba liệt sĩ đã hi sinh. Tên giặc già Lê Đình Kình đã chết toàn thây, chứ không như các liệt sĩ đã bị thiêu cháy thành than. Nhưng nhân cách của Lê Đình Kình – thứ đã chết trước thân xác hắn rất lâu – thì sẽ đời đời kiếp kiếp bị phỉ nhổ.
 
Lịch sử sẽ nhớ về thôn Hoành, về Đồng Tâm với những vết nhơ nhục nhã cho bè lũ cường hào ác bá vùng nông thôn, như một bài học đắt giá cho Đảng Cộng sản Việt Nam khi đã để hình thành tầng lớp địa chủ mới từ chính các “cán bộ” của mình. Dòng họ Lê Đình ở Đồng Tâm sẽ vĩnh viễn phải trả giá cho những ô nhục này.
 
Không ai nói về nhân đạo và luật pháp khi Chu Ân Lai ra lệnh hạ sát gần như toàn bộ gia đình của Cố Thuận Chương. Cũng như Ngũ Tử Tư tối trời xấu đường, nên phải đi ngược làm trái.
 
Mình nói ra điều này, thì mình không nghĩ về mình như một luật gia mũ cao áo dài, phải nói ra những thứ cao đẹp mà nhảm nhí. Mình nói, trước hết là một con người nhớ câu thơ Lưu Quang Vũ: “nhân danh tình yêu, tôi mãi mãi căm thù”.
 
Và nếu như bạn cảm thấy trái ý, thì xin mời, chúng ta luôn có quyền unfriend nhau. Block càng tốt.
 
(Tus này sẽ được giữ lại đến khi nào mình bình tĩnh lại.
 
Ơn giời, nếu may mắn thì sáng thứ 2 tuần sau thì hi vọng mình có thể chào hỏi lại các bạn bình thường).
 
@Lương Lê Minh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *