Cà Phê Tối/Vũ Hùng
Đây không phải là tên một tuỳ bút của nhà thơ Phùng Quán, càng không phải tên của bản trường ca “Ba phút sự thật” của nhà thơ Xô Viết Éptusenko bên Nga. Vẫn là chuyện của Hiếu và Minh và những điều chưa nói đến
Đây là thời lượng của một clip, chính xác ra là 2’48”, tôi làm tròn cho title dễ đọc và các bạn đọc cho tiện.
3 phút ấy là thời lượng của một phóng sự ngắn được 2 bạn phóng viên Hương Quỳnh và Quang Phú của Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hoá thực hiện từ cách đây 2 năm (2018).
3 phút ấy đã nói lên tất cả sự thật về việc em Hiếu đưa em Minh đi học bằng cách nào trong suốt từng ấy năm.
Và buồn thay, đáng tiếc thay, 3 phút sự thật ấy lại khác với những thông tin mà báo chí mấy hôm nay đưa tin tới bạn đọc. Hay nói đúng hơn, truyền thông đã chỉ đưa tới cho bạn đọc một phần sự thật, đã không đưa tin một cách đầy đủ, trung thực và khách quan
Một số phóng viên ở một số tờ báo, có thể do thiếu trách nhiệm, có thể do lười nhác, có thể thuần tuý muốn chiếm được lòng trắc ẩn và nhân đạo của bạn đọc và xã hội để câu view cho bài viết của mình.
Hoặc có thể do mắc bệnh cả tin, đã không kiểm chứng nguồn tin ngay từ đầu, đã không gặp gỡ cả 2 em và các bạn cùng trường lớp, rồi thầy cô giáo, rồi phụ huynh. Đáng lẽ chí ít các phóng viên cũng phải liên lạc với VPĐD của các báo ở Thanh Hoá, ở miền Trung, hoặc liên lạc trực tiếp với các đồng nghiệp báo, đài tỉnh Thanh Hóa để tìm hiểu sự thật mà đưa tin cho chính xác.
Vừa mới hôm trước là tin mù mờ về vụ 320.000 bao cao su, nhưng cái tin ấy, cũng may, có thể chỉ làm buồn lòng một số anh, không gây mất trật tự xã hội mấy. Rồi mới đây lại thi nhau đưa tin về nghệ sĩ Trần Tiến bị “ung thư vòm họng giai đoạn 4 vô phương cứu chữa”, khiến bao chị em cô bác mềm lòng khóc rưng rức xót xa, mà không biết là Trần Tiến chỉ bị đau mắt!
Cho đến vụ này, rất may em Hiếu đã nhanh chóng tự mình đưa ra quyết định đầy cao quý và thượng tôn quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chứ không thì cả xã hội lại một phen nóng rãy lên và bất phân thắng bại lẫn không có hồi kết bởi các cuộc tranh luận về ưu tiên và không ưu tiên, về nhân văn và không nhân văn, về lạnh lùng hay nhiệt huyết, về luật thi cử và lòng nhân đạo, về lý và tình, về phát biểu của Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội và quyết định của Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Thái Bình, về v.v. và v.v..
Bỏng rát, chí chát và loạn xì ngầu khắp trong nhà ngoài ngõ, từ chợ xanh tới cơ quan nhà nước, trên mạng xã hội và báo chí mấy ngày qua, chẳng qua cũng bởi xót xa em Hiếu 10 năm “cõng bạn từ NHÀ tới TRƯỜNG”
Nghe và đọc bao nhiêu cuộc tranh luận đó, tôi lại nảy ra một băn khoăn khác: Tại sao trong 10 năm ấy, nhà trường, Ban phụ huynh, chính quyền và các đoàn thể địa phương, rồi các nhà hảo tâm trong vùng, không có nhẽ không ai biết việc Hiếu hàng ngày phải cõng Minh đi học từ nhà đến trường? Không có nhẽ không ai trong số những người và tổ chức kể trên lại không thể gom góp kinh phí mua cho Hiếu một chiếc xe lăn, đỡ khổ sở bao nhiêu cho 2 bạn nhỏ này?
Câu hỏi đó, nỗi băn khoăn đó, dù sau khi đã xem tất cả các bức ảnh trên các báo đều chụp Hiếu đang cõng Minh, vẫn khiến tôi do dự không viết một dòng nào về chuyện này, mặc dù gần đây tôi đang tập “bắt trend”.
Rồi cả tối qua, tôi quyết tâm mò mẫm trên mạng để tự tìm ra một câu giải đáp cho thắc mắc nói trên của mình.
Mãi tới hơn 12h đêm, tôi mới tìm ra nguồn của cái clip này, nhưng vì kém khoản công nghệ, tôi đành liều mình nhắn tin cho “chuyên gia IT kiêm thư ký” yêu quý của tôi, nhờ em trích xuất bằng được.
Xem để biết nửa sự thật còn lại mà truyền thông đã không hề đả động tới. Nửa sự thật của truyền thông là Hiếu cõng Minh từ nhà đến trường. Nửa sự thật mà clip này cung cấp cho tôi và các bạn là Hiếu chở Minh bằng xe đạp điện từ nhà đến trường, rồi các bạn cùng lớp đón 2 em ngay tại cửa lớp và cõng Minh vào lớp. Không có chuyện Hiếu cõng Minh từ nhà tới trường, không hề!
Em Hiếu ngoan ngoãn, học giỏi , tốt bụng, thương bạn, kiên trì, nghị lực. Chỉ nội cái việc 10 năm ròng rã đón và chở bạn đi học đã khiến cả xã hội phải nghiêng mình thán phục. Rồi còn việc Hiếu không chấp nhận sự đặc cách, em thật sự là người thanh niên rất mã thượng, có một nhân cách cao cả, một ý thức rạch ròi.
Tôi yêu Hiếu lắm vì những điều trên. Tôi cũng thương lắm đôi bạn từng bên nhau suốt 10 năm qua nay phải tạm “tan đàn xẻ nghé”.
Nhưng, yêu Hiếu thương Minh bao nhiêu, tôi lại giận một số bạn phóng viên đã đưa tin về 2 em rất phiến diện bấy nhiêu. Tôi, và tất cả các bạn, có thể ăn “nửa chiếc bánh mỳ” là đủ no, nhưng cần được biết qua truyền thông lề phải những sự thật trọn vẹn, điều mà truyền thông lâu nay đã coi nhẹ, gây bức xúc không đáng có cho xã hội, thể hiện qua mấy vụ việc mà tôi đã nêu ở trên làm ví dụ.
Rồi tôi nghĩ, ngay cả việc khen ngợi, truyền thông còn ẩu tả, còn úp mở như thế, thì trong những vụ việc cần phê phán, cần lên án, liệu truyền thông có công tâm, hay lại cũng lái theo yêu ghét của chủ quan nhà báo và toà báo, khiến dư luận xã hội bị dắt vào “mê hồn trận” thực thực hư hư, ảo hơn cả chơi facebook?
Và thú thực, tôi cũng trách các bạn phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hoá lắm đấy! Đáng lẽ, trên tình đồng nghiệp và ý thức nhà báo, khi thấy các báo, đài Trung ương và 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM đưa tin không đầy đủ sự thật, các bạn phải nhắc nhở, phải cung cấp cho họ ít nhất là cái clip 3 phút sự thật này để dư luận xã hội có sự định hướng từ báo chí – một chức năng quan trọng của báo chí cách mạng cơ mà?
Rồi Hiếu sẽ trở thành bác sỹ trong tương lai, còn Minh sẽ là kỹ sư. Tin rằng 2 em sẽ mãi mãi bên nhau như 10 năm chở nhau đi học, dù về mặt địa lý có thể cách xa. Và mong sao truyền thông luôn chính xác và đúng đắn, dẫu chỉ là 3 phút như phóng sự của TTV, nhưng để xã hội luôn đồng tâm nhất trí trước mọi sự kiện, sự việc, khi mà ai ai cũng được đón nhận những thông tin đầy đủ, trung thực, khách quan và chính xác.
Mong 2 em Hiếu, Minh học giỏi. Và mong truyền thông ngày càng có trách nhiệm hơn với xã hội. Mong lắm thay!
Tin cùng chuyên mục:
Vụ tai nạn thương tâm từ máy bay không người lái: Hồi chuông cảnh báo về an toàn công nghệ
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố