Cuteo@
Gần đến ngày 20/11, tôi lại nhớ về các cô giáo trên Tả Ló San
Từ Trung tâm xã Sen Thượng (Mường Nhé, Điện Biên) lên đến bản Tả Ló San, ngay sát đường biên giáp với Trung Quốc, phải đi bộ và xe máy đúng 30 km đường xuyên qua rừng già âm u, dốc núi dốc ngược, san sát cột mốc 14 – 15 – 16.
Bộ đội Biên phòng Đồn Sen Thượng công tác tuyến đường này, ai cũng đi theo đội hình – cảnh giác từ mọi tiếng động lạ…
Ấy thế mà 2 đứa “chúng nó” – 2 cô giáo sinh năm 90,91, quê mãi tít Hòa Bình – Hải Dương, cứ đều đặn mỗi tuần 2 lần lùi lũi ra xã – vào bản, mặc trời nắng mưa, lũ lụt, đất lở, núi sập.
Hỏi, “chúng nó” bảo: “Phải ra mua lương thực – thực phẩm và để nghe… tiếng người!”.
Băn khoăn: “Đi lại nhiều làm gì cho vất vả?”, nhưng có đi cùng chúng nó vào bản, mới thấy cái chặng đường ra vào cuối tuần, có khi lại là “cứu cánh”, để bám giữ niềm tin vào sự lần hồi kiếm đồng lương và mong manh giữ tuổi trẻ, chờ sự đổi thay công tác sau 3 năm dằng dặc bám bản, giữ trường…
Không điện sáng, không sóng điện thoại, không tivi, không cả sóng phát thanh nói tiếng Việt và dĩ nhiên, tiếng Kinh phổ thông, chỉ hãn hữu lắm mới gặp trong bản, khi có bộ đội Biên phòng ghé qua…
“Chúng nó” kể: Ngày nấu 1 bữa cơm, ăn cho cả ngày, dè sẻn từ giọt nước mắm; 2 ngày 1 lần, lọ mọ vào rừng kiếm củi; 3 ngày 1 lần, dắt nhau đi 6 km lên đỉnh cao có sóng điện thoại, nhắn tin – gọi điện cho người thân hoặc ra ngoài Trường chính, báo cáo công việc…
“Ngày 20/11 và 8/3, chúng em mua rượu uống say và ngồi trên giường, thi nhau hát!” – “Chúng nó” hồn nhiên kể vậy, khi nghe mình hỏi về ngày 20/11 sắp tới và bảo: “Cả xã toàn những điểm bản thế này, có được chuyển, cũng chỉ vậy mà thôi!”…
Trước khi về, mình định nhờ Trung úy Lò Văn Huyền, Đội trưởng Vận động quần chúng của Đồn Biên phòng Sen Thượng: Trước ngày 20/11, mua giúp mấy thùng mì tôm thay hoa, mang vào tặng “chúng nó”, nhưng Huyên bảo: “Chả biết ngày ấy, mưa lũ có sạt đường hay không mà vào?”, khiến mình cứ lẩn thẩn mãi, về cái khái niệm “người gieo chữ”, “người lái đò” mà báo chí đang ầm ầm tung hô, những ngày này…
***
Ở cực Tây Tổ quốc chẳng có nơi nào xa trung tâm bằng bản Tả Ló San, xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đâu. Người Hà Nhì gọi đó là đỉnh trời, cuộc sống ở Tả Ló San vì thế mà cũng có nhiều chuyện kỳ lạ như trên trời vậy.
Nằm chót vót trên núi, lớp học ở điểm cắm bản Tả Ló San của cô giáo Bùi Thị Sen có lẽ là lớp học kỳ lạ nhất trên đất nước này.
Trong căn phòng học tuềnh toàng, 6 học sinh gồm ba em lớp 1 ba em lớp 2 ngồi quay lưng với nhau nhìn lên hai chiếc bảng đặt đầu và cuối lớp. Lớp một có Lỳ Khóa Hoa, Lỳ Gia Sừng, Khoàng Xuân Ly, lớp hai có Khoàng Xó Pứ, Lỳ Hồng Sơn và Pờ Xuân Ly. 6 mầm non, tương lai của cả bản nhưng đứa nào đứa nấy còi dí còi dị, quần áo lếch thếch, thậm chí có đứa chỉ có quần đùi. 6 đứa đi học thì 5 đứa quên mang theo bút vở, chỉ nhớ mang dao với cuốc để học xong còn giúp bố mẹ làm vườn. Thỉnh thoảng chúng mới nói tiếng phổ thông, bập bẹ được vài chữ “chào cô giáo” rồi lại nói chuyện với nhau bằng tiếng Hà Nhì. Giờ học cũng rất kỳ lạ. Thằng Pờ Xuân Ly học lớp 2 nhưng không biết chép mấy câu cô giáo Sen ghi trên bảng. Chữ hàng trên chữ hàng dưới ngoằn ngoèo như con dốc lên nương mà Ly thường leo vậy. Học lớp 2 mà cô hỏi 8 trừ 5 bằng mấy, nó cứ nghệt người, lấy que tính đếm đi đếm lại sau đó lắc đầu “mà sì kịa” (em không biết). Cô giáo Sen hỏi thêm một lần nữa, bị ép nên Ly lí nhí trả lời bằng…2.
Cứ chiều chiều cô giáo Sen lại xách chiếc máy điện thoại chạy lên đỉnh núi Tả Ló San để tìm “sóng lạc”. Lắm bữa có việc cần, leo núi bở hơi tai nhưng ngồi đến tối mịt mà chẳng có tí sóng nào lạc qua cho cô giáo dò cả. Trưởng bản Chừ phải đốt đuốc lên dẫn về.
Thầy giáo Trần Quyết Chiến, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Sen Thượng, thống kê: Xã Sen Thượng có 6 bản, 6 điểm trường thì chỗ nào cũng khó khăn, cũng tranh, tre, nứa, lá. Học sinh ít, bao nhiêu năm vẫn không có nổi trường cấp 2. Học sinh tiểu học cứ học xong rồi lên các lớp nhô. Cả xã bây giờ mới chỉ có 2 lớp nhô là lớp 6 và lớp 7. Có lẽ 3-4 năm nữa Sen Thượng mới có trường cấp 2 cho các em.
Cô giáo Sen quê ở huyện Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình), 26 tuổi, chưa chồng, đã gần 3 năm dạy học ở đỉnh trời này. Trước khi lên Tả Ló San, nghe thầy Trần Quyết Chiến, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Sen Thượng, kể về Sen tôi vẫn ngờ ngợ không tin. Chả lẽ ở nơi khắc nghiệt mà các thầy giáo còn thấy vất vả tột cùng thì lẽ nào một cô giáo trẻ như Sen lại dám lên? Vậy mà lên rồi mới thấy những điều thầy Chiến kể là đúng hết.
Cô Sen ở một mình trong căn nhà được lợp bằng bạt, vách nứa, không điện, không sóng điện thoại, nước sinh hoạt chỉ có vài xô. Làm bạn với cô là một chú sóc rừng dân bản cho nhưng nó vừa bị chết, cô làm mộ, khóc lóc mấy ngày trời. Mỗi ngày dạy hai buổi cho 6 học sinh, xong thì cuốc vườn, cuốc hết đất vườn thì đi tìm người biết tiếng phổ thông nói chuyện. Bao nhiêu câu tôi định hỏi nhưng cứ sợ cô giáo khóc, mà cô khóc thật.
“Có lẽ em ế chồng mất anh à. Học xong được người quen giới thiệu nên lên trên này dạy, gia đình ai cũng can ngăn cả. Lên đây em mới biết đất nước mình có dân tộc Hà Nhì. Mới đầu đêm nào cũng khóc vì sợ, vì không biết tiếng dân bản”, Sen vừa rơm rướm nước mắt vừa nói buồn như thế. Thế em định ở luôn trên này à? Sen ngó xa xăm rồi thủng thẳng: “Em cũng không biết nữa. Nghề giáo viên cắm bản đâu có được lựa chọn. Em ở đây cũng quen rồi, nhiều lúc muốn về nhưng nghĩ thương các em quá. Chỉ với chừng này học sinh, nhiều lần nhà trường định xóa điểm bản, nếu thế thì có lẽ chẳng ai ở Tả Ló San được đi học nữa cả”.
Trẻ con ở Tả Ló San vừa đến trường vừa chuẩn bị lên nương
Hôm tôi lên lớp học cô Sen, trời bắt đầu lạnh, cô giáo Sen chuẩn bị đấy đủ củi đốt lửa cho đám trẻ đến trường trong mùa đông khắc nghiệt. Cô bảo, ở Tả Ló San mỗi đứa trẻ chỉ có một bộ quần áo. Mùa đông cũng như mùa hè.
Không hoa, không quà – đó là ngày 20/11 của những giáo viên cắm bản như cô Trần Thị Thu đang lặng thầm đóng góp công sức cho sự nghiệp giáo dục nơi địa đầu Tổ quốc – bản Tả Ló San, xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé. Với các thầy cô nơi đây, thành tích học tập và sự kính trọng biết ơn sâu sắc của các em học sinh luôn là món quà ý nghĩa lớn lao hơn tất cả.
Lặng lẽ sống, lặng lẽ hy sinh và cống hiến thầm lặng là những từ giành cho giáo viên cắm bản ở xã vùng cao Sen Thượng. Để những con chữ, kiến thức đến được với các em nhỏ, các thầy cô giáo nơi đây không ngại ngần gian khó “gửi” lại cuộc đời mình nơi biên cương Tổ quốc. Chúng tôi có mặt ở điểm trường Mầm non Tả Ló San khi buổi học vừa bắt đầu. Thấy chúng tôi vào lớp, cô giáo chưa kịp nói gì thì các em đã đứng dậy khoanh tay chào mọi người. Lớp học của cô Trần Thị Thu, quê ở xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa trong căn phòng học tuềnh toàng, học sinh của cô đếm đi đếm lại chưa hết 10 đầu ngón tay, đứa nào đứa nấy còi dí còi dị, quần áo lếch thếch, thậm chí có em chỉ mặc quần đùi. Thỉnh thoảng chúng mới bập bẹ được vài chữ phổ thông rồi lại nói bằng tiếng Hà Nhì. Giờ tan trường đã điểm, những em học sinh nhỏ cũng đã về với cuộc sống của mình, các thầy các cô lại trở về với căn nhà tạm bợ, ai nấy vội vàng chuẩn bị một bữa ăn đơn sơ.
Cô Thu với học sinh bản Tả Ló San.
Vừa nấu cơm cô Thu vừa tâm sự: “Bữa ăn chỉ thế thôi nhà báo à. Ở đây không có chợ, cũng không có người đưa hàng đến bán nên khi ai có công việc về xuôi thì mới gửi tiền mua cá khô lên ăn. Hơn một tháng nay không có ai về nên hết đồ ăn rồi, bây giờ chúng tôi cũng chỉ biết ăn muối, lên rừng hái măng, hái rau ăn tạm qua ngày thôi”. Lên đây công tác hơn 8 năm thì cũng chừng ấy thời gian cô Thu xa gia đình. Một mình giữa chốn núi rừng, tránh sao nổi những khi rơi nước mắt vì nỗi nhớ gia đình. Lúc con đau ốm, lúc gia đình có chuyện, không làm được gì hơn ngoài những lời động viên thăm hỏi qua điện thoại. Đã có lần cô nghĩ đến chuyện bỏ cuộc nhưng rồi nỗi tủi hờn, nỗi nhớ nhung đã không thắng được lòng yêu nghề. Trong câu chuyện với chúng tôi, mắt cô đỏ hoe khi nói tới gia đình: “Chỉ mong những người trong gia đình có sức khỏe để mình an tâm công tác. Những vất vả về vật chất rồi cũng dần quen, gắn bó được ở đây vì yêu nghề thôi”, cô Thu tâm sự.
Đêm ở Tả Ló San tối đen như mực, ngoài trời gió thổi vào thông thốc, cây cối trong rừng đong đưa phát ra những âm thanh rợn người. Chầm chậm, khắc khoải như giấc mơ gieo chữ cho từng học sinh, mỗi cô trò gom từng nỗi cô đơn, vất vả lại thành câu chuyện giãi bày. Những câu chuyện của những giáo viên cắm bản giúp chúng tôi ngồi bên nhau từ chập tối đến tận lúc gà rừng cất tiếng gáy. Hai chiếc đèn dầu làm bằng vỏ hộp sữa thỉnh thoảng lại tắt ngấm vì gió rít liên hồi. Câu chuyện của cô Thu thật khác lạ với câu chuyện của những giáo viên nơi thành thị mà chúng tôi từng nghe. Cô Thu nói, đêm nay là đêm vui nhất từ khi vào Tả Ló San. Vì đơn giản, chúng tôi là những khách lạ cùng lắng nghe và thấu hiểu chuyện cắm bản của họ. Sáng hôm sau là ngày nghỉ cuối tuần, thế nhưng với các thầy cô lại càng vất vả hơn, bởi công việc của các cô không chỉ thường trực vận động học sinh đến trường mà còn phải phụ giúp gia đình các em làm nương để phụ huynh cho các em đến trường. Chính vì thế ít khi các thầy cô mới có dịp nghỉ ngơi, về thăm quê, hơn nữa quãng đường cũng khá xa xôi. Thế nhưng mỗi lần về quê các cô thường tập trung thành nhóm đi xe máy về. Tôi nghe mà như không tin vào chính mình. Những cô giáo chưa cao được mét sáu, nặng chưa đầy 50kg kia lại có thể vượt cả quãng được gần 800 cây số bằng xe máy để về quê.
Dịp 20/11 năm nay, lần đầu tiên trong quãng thời gian đứng trên bục giảng mà cô nhận được món quà đặc biệt. Món quà đó không phải hoa, không phải những món đồ đắt tiền mà là những thứ dân dã: một quả đu đủ vừa chín, mấy quả chuối do các em học sinh mang tặng. Thế nhưng cũng đủ để khiến cô thấy ấm lòng giữa bộn bề khó khăn vây quanh. Bởi đó là cả tấm lòng chân thành của các em, của bà con dân bản. Rồi lãnh đạo nhà trường, chính quyền xã cũng tới thăm động viên an ủi. Cứ thế, niềm yêu nghề được hun đúc từ những điều đơn sơ, giản dị.
Chia sẻ về niềm vui trong ngày 20/11, cô Thu bộc bạch, ở miền núi thì không có hoa tươi như đồng bằng, nhưng điều mà mong muốn ở cô nhất là các em cố gắng trong học tập, vươn lên trở thành người con tốt. Đó chính là bông hoa tươi thắm nhất, ngát hương thơm mà các em tặng chúng tôi.
Có thể nói đứng trên bục giảng ở những nơi vùng cao rất cần những giáo viên yêu nghề và mang trong mình khát vọng ươm lên những mầm xanh để thay đổi tương lai cho bà con còn nghèo khó. Những hy sinh của họ sẽ được tiếp nối bằng những nụ cười và hạnh phúc cho trẻ em vùng cao hôm nay và ngày mai.
Tin cùng chuyên mục:
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố
Ukraine nói điều đáng sợ về tên lửa mới của Nga
Trừng phạt Nga hay cuộc ‘chiến tranh kinh tế’ tổng lực của phương Tây trên khắp thế giới