Nhìn từ chuyến lưu diễn của BlackPink tại Việt Nam: Công nghiệp văn hóa không phải tự dưng mà có

Người xem: 296

Hai đêm diễn của Blackpink tại Hà Nội đã khép lại hành trình vòng quanh thế giới của nhóm này, cũng để lại nhiều dư âm đẹp cho cả khán giả lẫn chúng tôi – những người làm nghề
 
Cái được về quảng bá văn hóa, du lịch ai cũng nhìn thấy. Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch TP Hà Nội, gọi sự kiện âm nhạc Blackpink biểu diễn là “cơ hội vàng” quảng bá hình ảnh thủ đô.
 
Học hỏi được nhiều điều
 
Hai đêm diễn thu hút khoảng 67.000 khán giả đến xem, trong đó có không ít người hâm mộ ở các nước như Thái Lan, Trung Quốc, Singapore… Vào ngày công bố tour lưu diễn của nhóm nhạc Hàn Quốc, nền tảng Booking.com ghi nhận lượt tìm kiếm về cơ sở lưu trú tại Hà Nội cho thời điểm từ 26-7 đến 1-8 tăng 300% so với cùng kỳ năm trước. Còn riêng với chúng tôi, những người làm nghề, thì có thể nói là ngày hội của những người làm sản xuất, của các ê-kíp. Chúng tôi học hỏi được nhiều điều. Có thể coi đây là dịp cọ xát để ê-kíp trưởng thành hơn, để chúng ta có thể tự tin hơn, sau này có thể hoàn toàn tự tin nhập thiết bị về để làm các show đẳng cấp như vậy.
 
Quay trở về câu chuyện của Blackpink, đến tận hôm nay, khán giả vẫn nói về các cô gái xinh đẹp này. Họ đã chiếm sóng truyền thông Việt Nam suốt một thời gian dài, đây là điều mà không một nghệ sĩ nào hay một show diễn nào Việt Nam làm được. Có người hỏi tôi lý do tại sao, là đẳng cấp, sự dễ thương, sự đồng điệu của ban nhạc với khán giả? Trả lời câu hỏi này, chúng ta phải nói về câu chuyện rất dài bắt nguồn từ chính sách phát triển công nghiệp văn hóa của chính phủ Hàn Quốc.
 

Nhóm Blackpink tạo cơn sốt tại Việt Nam Ảnh: PHƯỢNG HOÀNG

Thành tựu của Blackpink, BTS hay bất kỳ nhóm nhạc nào không phải ngẫu nhiên có được mà nhờ chiến lược phát triển văn hóa dài hạn của chính phủ Hàn Quốc. Họ dành nguồn ngân sách lớn đầu tư cho văn hóa – nghệ thuật, chỉ riêng lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đã nhận được khoảng 172,3 triệu USD; đến năm 2023, con số này lên tới 1,217 tỉ USD.
 
Chính phủ Hàn Quốc luôn quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng, hình thành nhiều quỹ cho văn hóa – nghệ thuật, họ tìm mọi cơ hội để đưa văn hóa xứ kim chi lan tỏa toàn cầu. Sau hơn 2 thập kỷ tập trung phát triển, doanh thu từ công nghiệp văn hóa Hàn Quốc đã đóng góp cho nền kinh tế nước này khoảng 120 tỉ USD/năm, chiếm 2,6% thị phần toàn cầu. Ngành công nghiệp văn hóa của nước này đã vươn lên vị trí thứ 7 thế giới, tạo ra khoảng 680.000 việc làm mỗi năm.
 
Nói riêng về đào tạo, họ đầu tư cho hàng ngàn người đi ra các nước phát triển để học hỏi công nghệ showbiz. Bản thân họ xác định được việc đầu tư vào văn hóa tức là đầu tư vào con người, mà con người thì không thể đào tạo trong nước mà phải ra nước ngoài, nó là một sự cộng hưởng, sự lan tỏa. Đầu tiên là phim ảnh, chúng ta đã dấy lên những cơn sốt phim Hàn Quốc. Từ phim mới ra những trào lưu về văn hóa, về âm nhạc, về vũ đạo, về thời trang, về ẩm thực. Sự lan truyền về văn hóa mang lại nguồn lợi nhuận rất lớn, uy tín, vị thế rất lớn cho đất nước.
 
Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Việt Nam đã đề cập đến việc phát triển công nghiệp văn hóa. Mong muốn của chúng ta cũng là như vậy. Nhưng để hiện thực hóa mong muốn ấy, chúng ta phải có những chiến lược đào tạo bài bản về con người, đưa những lớp trẻ ưu tú… đi đào tạo ở nước ngoài. Việt Nam có rất nhiều người trẻ giỏi, thông minh, nhưng cơ hội để cọ xát với công nghệ phát triển của showbiz thế giới của họ còn rất ít, bởi vì gần như không có một đơn vị tổ chức nào có thể đầu tư cho họ.
 
Để làm nghề, tôi, đạo diễn Việt Tú, đạo diễn Hoàng Công Cường… phải tự mình bỏ tiền ra để đi khảo sát, cọ xát và đi học hỏi ở khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi đi “lang thang” khắp nơi để có thể xem, học hỏi từng công nghệ, tham gia từng hội chợ về công nghệ về thiết bị, tham gia những vở diễn, mua vé hậu trường để vào xem, khảo sát, tham quan… Chúng tôi phải tự mày mò, học hỏi, tự mang về, tự xây dựng và tự làm nên các tác phẩm của mình.
 
Muốn được như họ, chúng ta phải có sự tuyển chọn, sau đó đào tạo từ hôm nay. Đây là yếu tố then chốt, tất cả công nghệ chỉ là yếu tố phụ trợ.
 
Nếu không có môi trường huấn luyện, không có khối lượng nhân sự, có những bộ óc đổ vào từ việc sáng tác các ca khúc tạo nên hot trend, đào tạo, huấn luyện dancer thì không thể có thành công. Nhóm Blackpink được đào tạo trong mồ hôi, nước mắt. Họ tuyển chọn nhân sự, đào tạo khổ cực; cả một guồng máy rất lớn đổ vào để đào tạo, xây dựng và phát triển bốn con người này, từ âm nhạc, vũ đạo, trang phục, đào tạo, phong cách, phong thái trình diễn… Thế nên những gì họ gặt hái được là những thành quả xứng đáng.
 
Chúng ta còn cần có sự thông thoáng, cởi mở hơn nữa trong cơ chế để các doanh nghiệp phát triển. Và cuối cùng, cơ sở vật chất dành cho những show diễn lớn còn rất thiếu. Khi các nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam, họ đòi hỏi rất nhiều về tiêu chuẩn. Hàng xóm của chúng ta, Singapore, Thái Lan… có những nhà thi đấu rất lớn và đầy đủ tất cả phương tiện có thể làm những sân khấu tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng thực tế ở Hà Nội thì đang thiếu.
 
Bài viết của Đạo diễn âm nhạc, nhà sản xuất Nguyễn Việt Thanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *