Rớt bánh xe – Tai nạn hay trò đâm thọc?

Người xem: 260

Những bạn bè, người thân quen của tôi sử dụng xe Vinfast đều cho rằng cho đến nay chưa thấy có gì phải phàn nàn về chất lượng của nhãn xe này cả. Tuy nhiên, trong những ngày qua, trên mạng lại xuất hiện không ít hình ảnh xe Vinfast gãy càng chữ A, rơi bánh xe. Theo ghi nhân từ trang VNMedia.com thì đã có 5 vụ: tại TP Hồ Chí Minh 2 vụ, tại Uông Bí, Đà Nẵng và Hà Tĩnh mỗi nơi 1 vụ. Tất cả “đều có dấu vết của các vụ va chạm trước đó với xe khác hoặc vật cứng hay dải phân cách…”.

Đáng nói là, khi hình ảnh được chia sẻ lên mạng, nhất là trên FB, hầu như tất cả người chia sẻ đều chỉ đưa hình ảnh, không ghi rõ địa điểm, thời gian ghi nhận và càng không đề cập gì đến nguyên nhân, tác động dẫn đến sự cố. Một số chia sẻ đi kèm với hình ảnh có caption giống y như nhau như thể xuất phát từ một nguồn có chủ đích, ám chỉ sự cố gãy càng rơi bánh là một lỗi tự thân của sản phẩm. Người đọc, người xem có thể hiểu là các chia sẻ đó ngầm kết luận rằng cần xem xét lại chất lượng, thẫm chí cần thu hồi sản phẩm của hãng xe này.

Theo quan sát cá nhân, đây là đợt sóng công kích thứ ba nhắm vào sản phẩm xe hơi Vinfast. Lần thứ nhất diễn ngay khi Tập đoàn Vingroup tuyên bố cho ra mắt sản phẩm xe hơi nhắm vào thị trường nội địa, bao gồm toàn những nhận xét hoài nghi. Lần thứ hai là cùng thời điểm này của năm 2020, sự chê bai cũng gay gắt nhưng vẫn chung chung. Khi LS khá nổi tiếng Lê Công Định đăng ảnh lái thử tại garage của một người bạn và có ý khen chất lượng, ủng hộ xe Vinfast, một làn sóng Anti – Vinfast đã trỗi dậy, gán cho ông luật sư đủ điều thậm tệ. Lần thứ ba, khác chăng là việc công kích đi kèm với một số hình ảnh cụ thể nhưng thông tin nguyên nhân thì vẫn rất mơ hồ. Bất kỳ bài viết nào tỏ ý băn khoăn về tính xác thực và mục đích chia sẻ hình ảnh sự cố cũng dễ phải nhận được những comment đánh giá rằng đang “giải cứu truyền thông cho Vinfast một cách vụng về”. Tôi đoán, status này chắc cũng sẽ không thoát điều đó.
 
Ở đây có vài điều cần phải bàn. Thứ nhất, ở nhiều quốc gia, như Hoa Kỳ chẳng hạn, nếu tai nạn xảy ra do lỗi tự thân thì chủ xe (vì quyền lợi của người tiêu dùng) sẽ có quyền report (báo cáo) cho Department of Transportation’s National Highway Traffic Safety Administration (NHTSA). Nếu có từ 3 reports về cùng một trường hợp lỗi, cơ quan này sẽ mở hồ sơ điều tra và buộc chính hãng xe sẽ “recall” (thu hồi) và “free-repair” (sửa miễn phí) cho khách hàng. Trong trường hợp lỗi không còn là hiện tượng cá biệt do sự cố tác động mà thuộc về chất lượng, hãng sẽ buộc phải thu hồi dòng sản phẩm lỗi để khắc phục, bảo đảm an toàn và quyền lợi cho người tiêu dùng. 
 
Các chia sẻ vừa qua có vẻ như đang cố xoáy sâu vào lỗi tự thân này, nhằm chỉ trích chất lượng của dòng xe và ngầm đòi Vinfast “phải có trách nhiệm thu hồi để khắc phục lỗi của dòng sản phẩm”. Nếu làm thế thì không khác gì đẩy hãng xe vào khủng hoảng, trong khi nguyên nhân vẫn chưa ai kết luận. Nhưng trên thực tế, những người đưa ra và thúc đẩy cách nhìn này lại không hề có ai đang sử dụng xe Vinfast. Còn cả 5 trường hợp gặp tai nạn được ghi nhận, chủ xe đều không có phàn nàn hay khiếu nại gì về chất lượng xe, không có yêu cầu nào đối với hãng xe. Họ chỉ thực hiện các thủ tục giải quyết tai nạn với công an và bảo hiểm. VNMedia.com ngày 23-3 ghi nhận: “Thậm chí trong số này còn có chủ xe sử dụng dịch vụ cứu hộ khẩn cấp của Vinfast”. Như vậy, nguyên nhân chia sẻ hình ảnh hoàn toàn không phải “vì quyền lợi người tiêu dùng” mà vì mục đích khác. Mục đích gì thì không nói ra, ai cũng có thể hiểu; rất không sạch!

Thứ hai, tham khảo những người am hiểu về xe, tất cả đều cho rằng chưa bao giờ thấy xe mới đang chạy mà bị sụm ngang, rơi trục bánh như vậy. Trục bánh được chế tạo bằng công nghệ cao, không phải xuất xưởng từ lò rèn thủ công cấp xóm. Nó chỉ có thể gãy, rời khi có va chạm rất mạnh với xe khác, vật cứng như tảng đá hay dải phân cách beton chẳng hạn. Trong trường hợp đó, nhiều bộ phận khác của xe cũng sẽ có thể bị gãy, bể tan nát. Thế nhưng, với những hình ảnh các vụ xe Vinfast bị gãy trục, rơi bánh, hầu như các xe đều không có biến dạng bên ngoài đáng kể. Có xe rơi bánh trước nhưng giàn đèn, mui phía trước vẫn còn nguyên vẹn. Đây là lý do khiến người đọc, người xem, dù không có âm mưu vẫn còn nguyên những tồn nghi. Với chừng đó, cho dù không có khiếu nại từ chủ phương tiện, Vinfast cũng cần nhanh chóng điều tra xem xét lại cụ thể để tìm rõ nguyên nhân khắc phục, cách khắc phục và giải thích rõ ràng, trước hết là củng cố sự yên tâm cho người tiêu dùng sản phẩm.

Thứ ba, nếu chỉ là hình ảnh, hiện tượng thì loại xe nào, kể cả siêu xe cũng có thể gặp sự cố gãy càng, rơi bánh tương tự. Việc chia sẻ liên tục, ồ ạt hình ảnh sự cố của riêng xe Vinfast, do đó rõ ràng là không bình thường, có chủ ý và có phần ác ý. Đây là cách truyền thông không lành mạnh, không sạch sẽ, chơi xấu và gây bất lợi cho nền sản xuất ô tô trong nước đang trỗi lên mạnh mẽ mà Vinfast vừa khẳng định được thương hiệu.
 
Điều cuối cùng, dù bản chất câu chuyện là gì, Vinfast cũng cần sớm có điều tra và đưa ra câu trả lời rõ ràng. Một cuộc họp báo kèm thông cáo báo chí bạch hóa câu chuyện là điều Vinfast nên làm sớm. Là một thương hiệu lớn trong một tập đoàn lớn, tôi tin chắc Vingroup và Vinfast đã có phương án thích hợp để giải quyết vấn đề. Đó vừa là quyền lợi của nhà sản xuất kinh doanh, lại vừa là trách nhiệm đối với xã hội và người tiêu dùng. Một khi nhà sản xuất vẫn im lặng thì nỗi lo lắng, e ngại của người tiêu dùng, sự hoài nghi của dư luận, trò công kích từ các âm mưu….sẽ vẫn còn lý do để tồn tại. 
 
Chắc chắn, cả Vinfast lẫn người tiêu dùng đều không mong điều đó.
 
Theo: NB Nguyễn Hồng Lam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *