Kính gửi BQT Quán Chiêu Văn
Bài này em đã từng đăng trên 1 trang Blog, thế nên chiểu theo thể lệ “Viết về gia đình” là không phù hợp. Tuy nhiên em vẫn mạo muội gửi để chia sẻ về gia đình nhỏ của mình chứ không dự thi, cảm ơn các cụ và chúc cuộc thi thành công.
“Chưa bao giờ anh ước đâu em
Một ngôi nhà, bão dừng sau cánh cửa..”
Gửi vợ, tình đầu
Có lẽ, ngày xưa khi học chung cấp hai trường làng, không đứa nào nghĩ sau này mình là vợ chồng em nhỉ. Ngày ấy, anh ghét em ra mặt và em cũng vậy. Em, hồi đó, mang một chút dáng dấp tiểu thư giữa đám học trò lóc nhóc, ngây thơ. Còn anh là một thằng nghịch ngợm, nhất quỷ nhì ma.
Vậy mà, chúng ta cùng trải qua những tháng năm học trò đẹp như trang sách ở cái vùng quê hiền hòa, ngoại thành của Huế, nơi có dòng sông Ô Lâu chảy về với biển. Giờ mới thấy may mắn hơn trẻ em thành thị, biết đến những đồng lúa, với cánh cò trắng bay qua như lời ru của mẹ. Có lũy tre làng thẳng tắp, xa xa thơm mùi khói rơm chiều bốc lên từ những nóc nhà tranh mộc mạc, mình đã lớn lên như thế.
Lên cấp ba, anh vào thành phố trọ học, mang theo hành trang là niềm hy vọng của gia đình, là tình cảm chân thành của anh em, bè bạn. Giữa những phồn hoa, vẫn được gặp thêm những cái choàng vai, những cánh tay bằng hữu của tuổi học trò. Thấu hiểu rằng, chỉ cần có tấm lòng giữa cõi đời này, thì đâu cũng là huynh đệ.
Rồi những tháng ngày cuối cấp, ai cũng tất bật chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp, tranh thủ viết cho nhau những dòng lưu bút. Anh tình cờ gặp lại cô bạn cũ, đó là em. Những buổi đi học thêm, chỉ bài giúp bạn, anh dần dần có cảm tình với em lúc nào không hay biết. Gần em, mới nhận ra, em nghị lực và sống chan hòa, khác hẳn những gì anh đã từng suy nghĩ trước đây.
Anh vẫn giữ tình cảm của mình sâu trong đáy lòng, lặng lẽ và âm thầm, càng im lặng thì càng mãnh liệt. Biết diễn tả nó như thế nào nhỉ, có lẽ, nhà thơ Xuân Quỳnh đã nói rằng:
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Cứ mỗi ngày không gặp được em, không chở em đi học, anh thấy trống vắng và hụt hẫng, nhớ tiếng nói, nhớ nụ cười và cả ánh mắt, tự hỏi thầm em có nghĩ về anh như thế hay không.
Rồi bằng nhạy cảm và sự tinh tế của mình, em cũng đã nhận ra. Anh nhớ như in sau một buổi đi học về, em đã khéo léo bày tỏ thái độ của mình, rằng em không dành cho anh gì ngoài tình bạn…
Tình đầu, với một đứa con trai mười tám tuổi như anh, đã đến và đi vậy đấy, trong vắt như pha lê để rồi vỡ vụn và tan tành thành những mảnh thủy tinh lấp lánh, mang theo những nỗi buồn của học trò, lần đầu yêu và cũng là lần đầu nếm mùi đau khổ,..
Anh vẫn chuyên tâm vào sách vở, vẫn đón em đi học thêm vào những buổi chiều, tự nhủ lòng mình hãy xem nhau như bè bạn thuở thiếu thời. Nhìn anh, thằng bạn thân viết bốn câu thơ thả vào ngăn cặp:
“Đã bao lần lý trí bảo trái tim
Thôi không yêu, không giận hờn không nhớ
Nhưng trái tim là một thằng quái gỡ
Cứ cồn cào tha thiết gọi tên em”
Anh bật cười, có ai đó đã nói, bạn có thể giấu suy tư với người xa lạ, nhưng chả thể làm điều đó với người bạn thân nhất của mình.
Trước ngày thi, anh đã viết đến 2 trang lưu bút, cầu chúc cho em những gì tốt đẹp nhất trên bước đường đời, lại còn nắn nót viết tặng em bốn câu thơ của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, hình như, đó là bài “Chiếc lá đầu tiên”. Tình cảm của anh có lẽ cũng giống như chiếc lá ấy, bất chợt lìa cành mang theo nỗi nhớ, thả trôi xuôi dòng, không biết em có nhận được không.
Giờ đây, ngồi viết những dòng này cho em sau giờ tan việc, trời lại mưa lất phất, như cái ngày em gặp anh trước lúc anh đi xa nhâp học. Anh vẫn nhớ như in, em đặt vào tay anh một bó hoa hồng được gói ghém rất cẩn thận và khóc. Anh đứng như trời trồng vì bất ngờ, và lâng lâng không nói nên lời.
Mãi sau này mới biết, em đã dối mình khi không đón nhận tình cảm của anh. Chỉ vì em cảm thấy mặc cảm, em nghĩ mình chẳng có gì để xứng với anh. Bây giờ đây, khi đã là vợ chồng, anh và em đều thừa nhận rằng, ngoài tình yêu, chúng mình chả có gì khi đến với nhau, chỉ cần yêu thương, sự sẻ chia thì nhất định làm nên hạnh phúc.
Tình yêu đầu đời ấy, nó thanh khiết đến mức, để can đảm nắm tay em, anh đã phải nhận được sự động viên và chứng kiến của hai thằng bạn nấp ở bờ rào. Đêm ấy, sân nhà em tràn ngập ánh trăng của rằm tháng bảy, tụi nó vẫn nhắc là anh được “cô hồn yểm trợ”, rồi cả mấy đứa lại cười nghiêng ngả khi ngồi kể cho nhau nghe về mối tình đầu.
Anh học xa, những lá thư đến và đi như xóa tan khoảng cách giữa hai đầu nỗi nhớ. Đà Lạt, mảnh đất cao nguyên đẹp đến ngỡ ngàng với những hàng thông cổ thụ, những con đường trải vàng hoa dã quỳ. Huyền thoại về thung lũng tình yêu, những chiều sương giăng khắp lối,…Vậy mà, thành phố này cuối cùng cũng không níu được bước chân của gã sinh viên vốn yêu thiên nhiên và đại ngàn hùng vĩ như anh.
Sau gần nửa học kỳ, anh quyết định bỏ học về Huế để gần gia đình, và đặc biệt là gần em, chúng mình lại nắm tay nhau trên mảnh đất cố đô có dòng Hương hiền hòa chảy vào lòng phố. Chỉ cần có nhau, anh sẽ đưa em đi đến cùng trời cuối đất, mặc dù con đường ấy hẳn vẫn còn nhiều đá sỏi, chông chênh và cả màu sắc ngọt ngào của những cánh hoa khô ép bằng xác phượng sân trường.
Tháng tám này, một mùa hạ nữa lại về đánh dấu hơn hai mươi năm năm yêu nhau, chín năm em về làm dâu nhà anh với bao kỷ niệm. Thành quả hạnh phúc là chàng hoàng tử gần 8 tuổi của chúng mình, ai cũng bảo con có nụ cười giống ba và đôi mắt của mẹ. Gia đình luôn là nơi anh muốn trở về sau một ngày làm việc, em chuẩn bị bữa cơm, còn anh chơi với con hết trò này trò khác. Cứ thế, giản dị và mộc mạc.
Em cứ hay bảo anh thiệt thòi, chỉ có một mối tình duy nhất, chả có gì để kể cho con nghe về kinh nghiệm tình trường. Anh mỉm cười, biết nói làm sao nhỉ, chắc chỉ khuyên con trai rằng “Tình yêu cũng như một chiếc bánh, khi con san sẻ nó cho quá nhiều người, thì nhận được sẽ ít đi”.
Có lẽ gần mười lăm năm, không viết cho em. Với dân IT, những con số cùng bộn bề cuộc sống đã làm anh vốn khô khan nay càng trở nên lạnh lẽo. Nhưng nếu cầm bút và nói với em như thuở ban đầu, anh chỉ sửa xưng hô từ “em” thành “vợ”:
-Vợ à, anh sẽ luôn nắm tay em đi suốt cuộc đời.
Tin cùng chuyên mục:
Sự thật về công tác phòng chống buôn người ở Việt Nam và những luận điệu xuyên tạc của BPSOS
Bê bối của văn nghệ sĩ với “Mai Thúy”: Bài học về trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp
Cảnh giác trước luận điệu của phản động lưu vong: Bài học từ vụ việc Trần Khắc Đức
Nhiều đối tượng nghiện ma túy bị lợi dụng để gây rối