Biết thì thưa thốt

Người xem: 116

Khoai@
 
Lâu lâu lại có anh thầy giáo dạy văn lên lớp dạy cho các cơ quan tư pháp và hành pháp cách xử lý một vụ việc vi phạm pháp luật ở Thanh Hóa. Kém hiểu biết thì suy tôn thầy thành thánh sống, người có kiến thức thì cười khẩy.
 

Mới đây, Chu Mộng Long có bài viết “LỆCH LẠC ĐẾN KHÓ HIỂU” với nội dung phê phán cách xử lý vụ việc nữ sinh ăn cắp váy bị chủ Shop trừng phạt, nữ sinh quỳ van xin được tha tội…  Đại ý, Chu Mộng Long chê cộng đồng mạng và công an Thanh Hóa.

Với cộng đồng mạng thì Chu Mộng Long nói “Cộng đồng mạng đang ầm ĩ và bênh vực nữ sinh đến nơi đến chốn. Ít thấy ai phản đối tội ăn cắp mà toàn thể hiện “tinh thần nhân văn cao cả” khi chỉ biết chỉ trích chủ shop. Lại còn kêu gọi quyên góp giúp đỡ cho kẻ cắp”.
 
Với Công an Thanh Hóa thì: “Công an Thanh Hoá thì vội vàng quyết định khởi tố bị can là vợ chồng chủ shop mà không khởi tố tội ăn cắp. Tội làm nhục người khác (kể cả tội to hơn là tống tiền, đến 15 triệu) thì hiển nhiên phải trừng phạt, nhưng tội ăn cắp lẽ nào được tha? Và trò quyên góp kia khác nào khuyến khích ăn cắp?”.
 
Từ nhận định chủ quan ấy, anh Tiến sỹ kết luận “Lệch lạc đến khó hiểu! Lệch lạc từ dân đen, trí thức đến chính quyền!”. Và theo anh ta thì “chủ shop lẽ ra phải giao sự vụ cho chính quyền. Hoặc nếu không tin chính quyền, trong cơn tức giận có thể đánh cho kẻ cắp vài ba bạt tai cũng được. Nhưng đòi 15 triệu là tội tống tiền hơn là tội làm nhục. Vụ này đã lỡ rồi thì chính quyền phải xử cả hai, đúng lý đã rồi mới nói đến tình” và cuối cùng thì “Đã vậy thì mai ta bỏ nghề dạy học, đi ăn cắp thôi!”.
 
Thực tình mà nói, tôi đọc khá nhiều bài viết về chủ đề này và thấy hầu như rất ít người lên tiếng bênh vực cô gái ăn cắp váy, họ chủ yếu lên án sự độc ác, phi nhân tính của chủ shop. Tuy nhiên, vì trong nhiều bài viết chỉ đề cập đến vợ chồng chủ shop mà không đề cập đến hành vi sai trái của cô gái đó, nên dẫn đến hiểu nhầm là bênh cô gái ăn cắp. Thật ra, người viết chỉ muốn đi sâu vào một khía cạnh của vụ việc là vợ chồng chủ shop, và có phần nhân văn vì đó mới chỉ là một cô bé ăn chưa no, lo chưa tới, chứ không phải là bênh cô gái để khuyến khích cô gái đó ăn cắp.
 
Cũng đừng hiểu rằng, những người đến thăm hỏi, và cho cô gái đó tiền bạc là bênh cô gái ăn cắp, mà họ thăm hỏi, cho tiền vì thấy gia cảnh cô gái này nghèo. Đây chính là nội dung vấn đề mà TS Chu Mộng Long đã nhầm lẫn, hoặc cố tình nhầm lẫn để leo lẻo những luận điệu bôi bác chế độ.
 
Tôi phì cười khi nghe TS Chu Mộng Long dạy đời rằng: “chủ shop lẽ ra phải giao sự vụ cho chính quyền. Hoặc nếu không tin chính quyền, trong cơn tức giận có thể đánh cho kẻ cắp vài ba bạt tai cũng được“.
 
Tôi không hiểu anh dựa vào đâu để cho cho phép chủ shop đánh kẻ cắp. Cái cách xử lý mọi rợ, vô pháp vô thiên này ở đâu ra thế hả anh TS Chu Mộng Long?
 
Tự cho mình cái quyền đánh người khác là cách hành xử của xã hội đen, không phải là cách hành xử của pháp luật và càng không văn minh. Anh cho phép chủ Shop đánh cô gái ăn cắp là anh mặc nhiên xếp mình vào hàng ngũ của những kẻ xã hội đen, nhưng kẻ vô pháp vô thiên, tự cho mình cái quyền dẫm đạp lên pháp luật. Xã hội đen dạng vai u thịt bắp đã nguy hiểm thì xã hội đen có chút tri thức, núp bóng nhà giáo thì nguy hiểm hơn nhiều. Nếu như thế, anh Long cũng không khác gì vợ chồng chủ shop đâu.
 
TS Chu Mộng Long viết: “Công an Thanh Hoá thì vội vàng quyết định khởi tố bị can là vợ chồng chủ shop mà không khởi tố tội ăn cắp. Tội làm nhục người khác (kể cả tội to hơn là tống tiền, đến 15 triệu) thì hiển nhiên phải trừng phạt, nhưng tội ăn cắp lẽ nào được tha? Và trò quyên góp kia khác nào khuyến khích ăn cắp?”.
 
Tôi không rõ anh dựa vào đâu để khẳng định công an Thanh Hóa vội vàng, rồi không khởi tố tội ăn cắp, rồi kết tội các nhà hảo tâm.
 
Để khởi tố bị can cơ quan công an phải dựa vào các quy định của pháp luật mà không thể cảm tính. Không phải cứ thích là khởi tố được. Phải xem người phạm tội bao nhiêu tuổi, phạm tội có nghiêm trọng không, có tự nguyện khắc phục hậu quả chưa v.v.., chứ không phải là phải khởi tố cả 2 thì mới là “công bằng”. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì “Không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây: (1) Không có sự việc phạm tội; (2) Hành vi không cấu thành tội phạm; (3) Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự….
 
Tôi hoàn toàn đồng ý với Fbker Thái Hạo khi cho rằng, cô gái ăn cắp kia sinh năm 2004, nghĩa là dưới 18 tuổi. Theo điều 91, Nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 thì “Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội”. Quy định này chính là chuyển tải tinh thần của Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã ký kết.
 
Khi xử lý vụ việc, trước hết phải dựa vào luật pháp, bao gồm cả luật pháp trong nước và luật pháp quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc không tham gia nhưng mặc nhiên thừa nhận chứ không phải suy diễn tùy tiện; không phải đòi công bằng theo kiểu ăn miếng trả miếng, càng không phải là báo thù theo kiểu giang hồ.
 
Chu Mộng Long đòi “đánh”, đòi “khởi tố” một trẻ em ăn cắp chiếc váy trị giá 160.000 đồng dù đứa trẻ ấy đã tự nguyện khắc phục hậu quả, trong khi cùng lắm tội ấy đối với trẻ em chỉ là xử phạt hành chính. Khi anh nói như thế có nghĩa là anh đã đồng tình với hành vi đánh đấm của nhóm người trong clip kia, và cho đó là chính đáng.
 
Nhắc nhở anh Chu Mộng Long rằng, cô gái ăn cắp váy kia vẫn chỉ là trẻ em xét dưới khía cạnh pháp luật. Và người có hành vi phạm tội trong trường hợp này pháp luật đã có quy định riêng, vì trẻ em là người đang trưởng thành cần được bảo vệ và giáo dục đặc biệt. Cũng chính vì thế mà trẻ em mới cần có người giám hộ; và khi trẻ em phạm lỗi/tội người giám hộ phải liên đới trách nhiệm.
 
Trong vụ việc này, TS Chu Mộng Long đòi công bằng theo kiểu “chủ shop sai thì khởi tố” và “Cô gái ăn cắp sai thì cũng phải khởi tố” như thế mới là công bằng. 
 
Thật nực cười cho lập luận và đòi hỏi của một ông TS. Công bằng không thể được thiết lập dựa trên lẽ “ăn miếng trả miếng” hay “nợ máu trả máu”. 
 
Thưa anh TS dạy đời, công bằng là một người trưởng thành giết người thì xử khác với con nít giết người; là người bình thường đánh người thì xử khác với kẻ tâm thần đánh người; là kẻ vô học xúc phạm người khác thì xử khác với người có bằng cấp… Nghĩa là nó phải xét đến tất cả các yếu tố liên quan.
 
Cuối cùng, xử lý một vụ việc vi phạm pháp luật thì thứ mà người ta dựa vào trước tiên chính là các quy định của luật pháp, bởi trong luật pháp đã hàm chứa các chuẩn mực xã hội mà anh gọi là tình. Khi xử lý vụ việc, các yếu tố pháp lý đã được thỏa mãn thì đồng thời khi đó chữ tình cũng đã đủ. Trong Bản điều trần số 27, Nguyễn Trường Tộ đã nói: “Nếu tận dụng cái lẽ công bằng ở trong luật mà xử sự thì mọi quyền, pháp đều là đạo đức… Trong luật cái gì cũng công bằng hợp với đức trời, như vậy mà không đáng gọi là đạo đức tinh vi sao? Chỉ sợ con người không tận dụng luật mà thôi. Nếu tận dụng cũng đủ trọn vẹn đạo làm người rồi, bất tất phải đi tìm cái gì khác”. 
 
Đúng là, nhận thức pháp luật của anh lệch lạc đến khó hiểu, thưa anh TS, giảng viên Đại học Quy Nhơn Chu Mộng Long.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *