Vụ Tập đoàn Phúc Sơn: Yếu kém trong quản lý nhà nước và hậu quả nghiêm trọng

Người xem: 612

Ong Bắp Cày

Trong thời gian ngắn, Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn đã trở thành một đơn vị với quy mô lớn, nhận được nhiều dự án từ Bắc đến Nam. Tuy nhiên, những yếu kém trong quản lý nhà nước đối với Tập đoàn này đã dẫn đến nhiều sai phạm, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với ngân sách nhà nước và hàng loạt quan chức lãnh đạo cấp cao bị bắt. Bên cạnh đó, niềm tin của nhân dân vào chính quyền bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Mở rộng điều tra vụ án liên quan đến Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, đã khiến nhiều quan chức cấp cao bị bắt giam, trong đó có Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh, và nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Cao Khoa, đều đối diện với cáo buộc “Nhận hối lộ.”

Công ty Phúc Sơn, được thành lập từ năm 2004, ban đầu chỉ hoạt động tại huyện Vĩnh Tường với quy mô vừa phải. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng và không kiểm soát đã đưa công ty này vào vòng xoáy sai phạm. Lợi nhuận tăng đột biến từ 2015 một cách “khuất tất”, và cùng với đó là những dự án lớn từ Bắc đến Nam.

Rất lạ, với sự phát triển nhanh đến chóng mặt của Tập đoàn Phúc Sơn mà không có cơ quan quản lý nhà nước nào đặt dấu hỏi nghi vấn. Thậm chí những vấn đề cơ bản nhất về Tập đoàn này phản ánh năng lực thực sự của nó đã bị bỏ qua.

Chỉ sau khi vụ việc được phanh phui người ta mới ngớ người ra. Sự thật này đã phơi bày sự yếu kém về công tác Quản lý nhà nước, nhất là công tác kiểm tra, giám sát.

Công ty Phúc Sơn đã vi phạm nhiều quy định pháp luật, từ việc trốn thuế, không kê khai tài chính đến việc gây thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 640 tỷ đồng. Ngoài ra, việc bán những dự án chưa đủ điều kiện đã gây thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng.

Theo báo chí chính thống, Tập đoàn Phúc Sơn có nhiều vi phạm như bỏ ngoài sổ sách, không kê khai tài chính, trốn thuế, nhưng vẫn được “hoạt động bình thường”. Năng lực thực tế của doanh nghiệp không được đánh giá đúng mức, dẫn đến việc một công ty “rất vừa phải” lại được trúng thầu dự án hàng nghìn tỷ đồng.

Trách nhiệm của nhà quản lý được đặt ra khi Tập đoàn Phúc Sơn không đạt đủ điều kiện nhưng vẫn nhận được những dự án lớn. Sự thiếu kiểm tra, giám sát của cơ quan chuyên môn đã tạo điều kiện cho những sai phạm diễn ra. Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, nhấn mạnh về việc nhà quản lý không nắm bắt được năng lực thực tế của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cũng vì thiếu kiểm tra, giám sát nên đã không phát hiện được sự móc nối, hối lộ giữa doanh nghiệp và lãnh đạo địa phương. Tờ Vietnamnet viết “Lời khai của Nguyễn Văn Hậu, chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn, cùng các bằng chứng thu thập được đã cho thấy việc nhiều cá nhân lãnh đạo cấp cao ở Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi và Vĩnh Long đã nhận hối lộ để “bật đèn xanh” cho các dự án sai phạm của Tập đoàn Phúc Sơn”.

Với việc bắt Hậu “Pháo” và nhiều lãnh đạo cấp cao, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã mở rộng điều tra vụ án, bổ sung các tội danh như “Nhận hối lộ”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi.” Hành động này nhằm xử lý nghiêm minh các hành vi phạm tội, đảm bảo trật tự và công bằng trong xã hội.

Vụ án liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn là một bức tranh tối màu phản ánh sự yếu kém trong quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng. Từ đây, đặt ra những vấn đề cực kỳ quan trọng và bức thiết về kiểm tra, giám sát và trách nhiệm của những người đứng đầu. Đối diện với những hậu quả nặng nề do những yếu kém trong quản lý nhà nước, hiện tại cơ quan công an đang nỗ lực để xác minh, truy cứu trách nhiệm và giữ vững công bằng, tính minh bạch trong hệ thống quản lý của đất nước.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *