Đức hành động nóng sau vụ rò rỉ tin về kế hoạch đánh bom cầu Crimea

Người xem: 448

Báo Nga hôm 1/3 tiết lộ, các nhà lãnh đạo quân sự Đức được cho là đã thảo luận về một chiến dịch đánh bom cầu Crimea.

Tướng Ingo Gerhartz – phó tham mưu trưởng chi nhánh phụ trách tác chiến của lực lượng không quân Đức (bên trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius tại Căn cứ Không quân Holzdorf hôm 12/10/2023. Ảnh: Getty

Bộ Quốc phòng Đức ngày 1/3 đã yêu cầu điều tra nội bộ về sự việc này với lo ngại rằng Nga có thể nghe lén quân đội Đức (Bundeswehr).

Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Đức nói với hãng tin Bild: “Chúng tôi đang kiểm tra xem liệu lực lượng không quân của Bundeswehr có bị nghe lén hay không”.

Các nhà lãnh đạo quân sự Đức được cho là đã thảo luận về một chiến dịch đánh bom cầu Crimea, Tổng biên tập đài RT của Nga Margarita Simonyan tuyên bố hôm 1/3, trích dẫn một bản ghi âm cuộc thảo luận bị rò rỉ của các quan chức Đức.

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Đức, Văn phòng tình báo quân sự Liên bang (BAMAD) đã “khởi động mọi biện pháp cần thiết” để ngăn chặn việc bị nghe lén.

Trong khi đó, Bundeswehr ngay lập tức tiến hành biện pháp kiểm duyệt thông tin trên các mạng xã hội. Nhiều tài khoản trên trang mạng xã hội X (trước đây là Twitter) được cho đã làm rò rỉ thông tin về cuộc thảo luận kế hoạch tấn công cầu Crimea đã bị chặn tại Đức kể từ tối ngày thứ Sáu.

Trước đó cùng ngày, Tổng biên tập đài RT của Nga Margarita Simonyan đã đăng bản ghi lại cuộc điện thoại dài 38 phút ngày 19/2 trên trang VK của mình, xác định những người tham gia là người đứng đầu Lực lượng không quân Đức (Luftwaffe) gồm Tướng Ingo Gerhartz – phó tham mưu trưởng chi nhánh phụ trách tác chiến, Chuẩn tướng Frank Graefe, và hai người khác.

Theo lời kể của bà Simonyan về cuộc trò chuyện, các quan chức quốc phòng Đức đã thảo luận về cách thức thực hiện cuộc tấn công cầu Crimea, nhưng phủ nhận Thủ tướng Đức Olaf Scholz biết về kế hoạch này.

Bà Simonyan cho biết: “Họ cũng bình luận rằng quân đội Đức đang giữ khoảng cách với cuộc xung đột Nga-Ukraine, không giống như Mỹ và Anh, những nước mà họ cho rằng đã ‘trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột trong một thời gian dài”.

Cầu Crimea được xây dựng để nối bán đảo Nga với vùng Krasnodar qua eo biển Kerch. Ảnh: RT

Theo đài RT, bà Simonyan không công bố đoạn ghi âm nhưng cho biết rất muốn làm điều đó. Lãnh đạo đài RT cũng đã gửi yêu cầu bình luận về đoạn ghi âm này tới các quan chức Đức, bao gồm cả đại sứ và bộ ngoại giao của nước này.

Phản ứng với thông tin trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 1/3 tuyên bố: “Giới truyền thông Đức giờ đây đã có lý do chính đáng để thể hiện sự độc lập và đặt câu hỏi với Ngoại trưởng Annalena Baerbock”.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao và Quốc hội Nga khẳng định sẽ yêu cầu Berlin giải thích về thông tin trên.

Cầu Crimea là cây cầu lớn nhất châu Âu và được xây dựng để nối bán đảo Nga với vùng Krasnodar qua eo biển Kerch. Trước khi bùng phát cuộc xung đột hiện tại, đây là tuyến đường bộ duy nhất nối phần lãnh thổ của Ukraine với phần còn lại của Nga.

Chính quyền Kiev đã thực hiện 2 vụ đánh bom vào cầu Crimea vào tháng 10/2022 và tháng 7/2023, khi sử dụng xe tải và máy bay không người lái để tấn công cây cầu này. Cả 2 vụ tấn công này đều khiến dân thường thiệt mạng. Giới chức Ukraine khẳng định việc phá hủy cây cầu có mục đích quân sự.

Trong khi đó, một số quan chức phương Tây cũng đưa ra cảnh báo tấn công cầu Crimea của Nga. Trong cuộc phỏng vấn với tờ Washington Post vào tuần trước, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Giám đốc CIA Roberts Gates đề xuất: “Nếu muốn Nga tạm dừng chiến dịch quân sự và gián đoạn động lực mà họ có, tại sao không thể làm được những điều như phá hủy cây cầu qua eo biển Kerch”.

Ông Gates cũng kêu gọi các nhà tài trợ phương Tây cung cấp cho Ukraine khả năng thực hiện điều đó, đồng thời nói rằng cuộc tấn công thành công sẽ gây tổn hại cho người Nga “về mặt tâm lý cũng như quân sự”.

Đầu tuần này, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã ám chỉ quân đội phương Tây có liên quan trực tiếp đến việc Ukraine sử dụng vũ khí hiện đại trong cuộc xung đột với Nga. Thủ tướng Scholz lưu ý thêm rằng đây là một trong những lý do tại sao Berlin không gửi tên lửa tầm xa Taurus cho Kiev. Theo ông, nếu không có thỏa thuận rõ ràng, vũ khí này có thể bay đến tận thủ đô Moscow của Nga.

Nguồn: Nguyễn Phương/Kinh tế & Đô thị

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *