Vụ “Công an vào rạp kiểm tra độ tuổi người xem phim Mai” dưới góc nhìn của luật sư

Người xem: 933

Khoai@

Dư luận vẫn đang xôn xao vụ “Công an vào rạp kiểm tra độ tuổi người xem phim Mai” của Đạo diễn Trấn Thành với các ý kiến khác nhau xoay quanh việc “công an có được vào rạp kiểm tra độ tuổi khán giả hay không”.

Trước khi dẫn ý kiến của luật sư, phải nói rằng, báo chí đã rất “khôn ranh” trong việc câu khách bằng cách đặt tiêu đề “Công an vào rạp kiểm tra độ tuổi người xem phim Mai”. Bằng cách đặt tiêu đề này, báo chí đã tạo cho người đọc cảm giác chỉ có lực lượng công an vào rạp kiểm tra. Rất ít người hiểu rằng trong trường hợp này, công an chỉ là một thành phần của Đoàn kiểm tra liên ngành, do Sở VH-TT&DL TPHCM chủ trì. Cũng từ đây, họ đặt ra câu hỏi về tính hợp pháp của việc Công an xuất hiện kiểm tra độ tuổi khán giả trong rạp. Một số khác thì chĩa mũi nhọn, công kích ngành công an.

Trả lời thắc mắc của độc giả, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng Luật Sư Tinh Thông Luật) cho biết, theo khoản 11 điều 16 Luật Công an nhân dân năm 2018 quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của công an nhân dân, công an nhân dân thực hiện hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm trong hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Theo điều 4 Nghị định số 04/VBHN-BCA của Bộ Công an năm 2021 quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra của công an nhân dân, về đối tượng thanh tra thì cơ quan, tổ chức, cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam đều có thể bị thanh tra trong việc chấp hành pháp luật để bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Công an.

Như vậy, theo quy định trên thì công an có quyền kiểm tra độ tuổi của người xem phim trong rạp chiếu phim (như yêu cầu xuất trình CMND/CCCD…), đối với những phim có đặt ra yêu cầu về độ tuổi người xem, để đảm bảo việc chấp hành pháp luật, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Cùng với đó, theo điều 46 Luật Thanh tra năm 2022 quy định về hình thức thanh tra thì hoạt động thanh tra được thực hiện theo kế hoạch hoặc thanh tra đột xuất. Thanh tra theo kế hoạch được tiến hành theo kế hoạch thanh tra đã được ban hành. Thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hoặc do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao.

Như vậy, công an được quyền thanh tra, kiểm tra mà không cần thông báo trước khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm hoặc theo yêu cầu của Thủ tưởng cơ quan có thầm quyền giao”.

“Mặc dù vậy, khi thanh tra, kiểm tra thì công an phải đưa ra được căn cứ rõ ràng và có quyết định thanh tra, kiểm tra của người có thẩm quyền ký.” Luật sư cho biết.

Vị luật sư thông tin thêm, theo điểm b khoản 3 điều 19 Luật Điện ảnh năm 2022 quy định về phổ biến phim trong rạp chiếu phim thì cơ sở điện ảnh có nghĩa vụ bảo đảm người xem phim đúng độ tuổi theo phân loại phim. Do đó, việc cơ sở điện ảnh để người chưa đủ tuổi vào xem phim là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất và mức độ của hành vi mà cơ sở điện ảnh có thể bị xử lý vi phạm hành chính và bồi thường thiệt hại (nếu có).

Theo điểm c khoản 4 điều 8 Nghị định số 38/2021/NĐ của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo (được sửa đổi, bổ sung bởi điểm c khoản 5 điều 10 Nghị định số 128/2022/NĐ-CP của của Chính phủ), về vi phạm quy định về phổ biển phim thì tổ chức vi phạm có thể bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi không đảm bảo người xem phim đúng độ tuổi theo phân loại phim.

“Đối với cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2 lần tổ chức vi phạm. Còn đối với người xem phim chưa đủ tuổi thì hiện nay, pháp luật chưa có quy định về chế tài xử lý với đối tượng này.” Luật sư Bình cho biết.

Luật sư khẳng định, việc công an thực hiện thanh tra, kiểm tra đột xuất tại các rạp chiếu phim là đúng theo quy định của pháp luật đối với trường hợp phát hiện có vi phạm hoặc theo yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền giao. Điều này mặc dù có thể gây ra một chút trở ngại cho rạp chiếu phim, khán giả nhưng làm vậy sẽ góp phần bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quyền lợi cho khán giả, nhất là những người chưa đủ tuổi theo phân loại phim và tránh những hệ lụy không đáng có. “Các cơ sở điện ảnh, rạp chiếu phim và khán giả cần nghiêm chính chấp hành khi lực lượng công an tiến hành thanh tra, kiểm tra.

Luật sư Diệp Năng Bình khuyến cáo: “Đối với các rạp chiếu phim thì việc kiểm soát, ngăn chặn người chưa đủ tuổi vào xem phim cần phải thực hiện một cách nghiêm túc, theo đúng trình tự quy định, tránh bỏ lọt đối tượng, gây ảnh hưởng xấu tới hoạt động của rạp, quyền lợi của khán giả và trật tự an toàn xã hội.”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *