‘NATO đưa quân tới Ukraine sẽ được coi là lời tuyên chiến’

Người xem: 856

Quan chức hàng đầu Nga cảnh báo khả năng NATO triển khai quân tới lãnh thổ Ukraine sẽ dẫn đến một “kịch bản thảm khốc” và động thái này được coi là một “lời tuyên chiến” đối với Moscow.

Phó Chủ tịch Thượng viện Nga Konstantin Kosachev. Ảnh: TASS

“Đây sẽ là ranh giới cho thấy NATO không chỉ tham gia vào cuộc chiến – vốn đã xảy ra trong một thời gian dài, mà còn có thể được hiểu rằng khối này trực tiếp bước vào chiến sự, hoặc thậm chí được coi đây là ‘lời tuyên chiến’,” Phó Chủ tịch Thượng viện Nga Konstantin Kosachev viết trên kênh Telegram, theo RT.

Đây là bình luận của quan chức hàng đầu Nga nhằm phản ứng trước phát biểu hôm 26/2 của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng khối quân sự do Mỹ đứng đầu không loại trừ khả năng sẽ đưa quân tới Ukraine trong tương lai.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại cuộc họp báo ngày 26/2. Ảnh: AP

“Hiện chưa có sự đồng thuận chính thức nào về việc đưa quân đến thực địa. Nhưng xét về mặt động lực thì chúng tôi không thể loại trừ bất kỳ khả năng nào. Chúng tôi sẽ làm làm mọi thứ cần thiết để ngăn Nga giành chiến thắng trong cuộc chiến này,” ông Macron nói sau cuộc họp với khoảng 20 lãnh đạo châu Âu tại Paris.

Tuy nhiên, tuyên bố của Tổng thống Pháp đã khiến người đứng đầu NATO phải lên tiếng bác bỏ.

Trong cuộc phỏng vấn với AP ngày 27/2, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định: “Các đồng minh của NATO đang cung cấp sự hỗ trợ chưa từng có cho Ukraine. Chúng tôi đã thực hiện điều đó kể từ năm 2014 và tăng cường hỗ trợ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine bùng phát. Nhưng chúng tôi không có kế hoạch nào cho lực lượng chiến đấu của NATO trên thực địa ở Ukraine”.

Theo TASS, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cùng ngày cho biết, việc triển khai quân tới Ukraine là quyết định có chủ quyền của các nước đồng minh NATO, nhưng cả Mỹ và NATO đều không có kế hoạch như vậy.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby phát biểu trong cuộc họp báo ngày 27/2. Ảnh: The Hill

“Chúng ta hãy để Tổng thống Macron phát biểu về quân đội của ông ấy và những gì ông ấy sẵn sàng hoặc không sẵn sàng làm với quân đội của mình. Còn Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói rõ. Ông ấy không ủng hộ quân đội Mỹ tham gia vào cuộc xung đột này ở Ukraine,” ông Kirby nhấn mạnh.

Khi được hỏi liệu Mỹ có thể gửi quân tới Ukraine vì các mục đích không liên quan trực tiếp đến chiến đấu hay không, người phát ngôn khẳng định: “Không, nhân viên quân sự Mỹ duy nhất ở Ukraine có liên quan đến Đại sứ quán Mỹ, cũng như Văn phòng Tùy viên Quốc phòng. Họ đang thực hiện công việc quan trọng nhằm giúp chúng tôi giải quyết trách nhiệm về các loại khí tài quân sự được cung cấp cho Ukraine. Tổng thống đã nói rõ rằng sẽ không có quân đội Mỹ trên lãnh thổ Ukraine”.

Không chỉ có Mỹ, lãnh đạo các nước như Đức, Anh, Tây Ban Nha, Ba Lan, Czech, Thụy Điển, Slovakia, Hungary và Italy cũng từ chối ý tưởng của Tổng thống Pháp.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại Freiburg, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh: “Sẽ không có bộ binh hay binh sĩ nào từ các nước châu Âu hoặc từ các thành viên NATO trên lãnh thổ Ukraine”. Ông cũng nêu rõ rằng các quân nhân phương Tây đang tại ngũ bị cấm tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine.

Trong khi đó, Thủ tướng Slovakia Robert Fico tuyên bố nước này sẽ không gửi quân tới Ukraine và ông sẽ không đưa ra quyết định như vậy “ngay cả khi điều này có thể đồng nghĩa với việc mất chức”.

“Chúng tôi không thể ngăn cản các nước khác ký kết các thỏa thuận song phương với Ukraine [về khả năng gửi quân đội], nhưng chúng tôi tuyên bố rõ ràng rằng mục tiêu dự kiến ​​sẽ không đạt được. Chúng tôi tin rằng quyết định [gửi binh lính đến Ukraine] sẽ gây ra sự leo thang căng thẳng lớn”, Thủ tướng Fico cảnh báo.

Thủ tướng Slovakia Robert Fico (trái) và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk (phải), trong cuộc họp báo ở Praha, Czech, ngày 27/2. Ảnh: Bloomberg.

Tại cuộc họp báo chung ở Praha (Czech), Thủ tướng Czech Petr Fiala và người đồng cấp Ba Lan Donald Tusk đều nhấn mạnh quan điểm họ “không có kế hoạch đưa quân tới lãnh thổ Ukraine”. Ông Fiala tuyên bố rằng nếu tất cả các quốc gia thành viên EU đều cam kết giúp đỡ Kiev như Praha và Warsaw thì họ sẽ không cần phải thảo luận về các hình thức hỗ trợ khác.

Trước đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 27/2 cảnh báo rằng một cuộc xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO sẽ không thể tránh khỏi nếu các quốc gia thành viên trong khối quân sự gửi quân tới Ukraine.

Ông Peskov cho biết những bên phản đối bình luận của Tổng thống Pháp “đã đánh giá tỉnh táo về những rủi ro tiềm ẩn” khi triển khai lực lượng NATO ở Ukraine. Ông nhấn mạnh rằng kịch bản phương Tây triển khai quân tại Ukraine là “hoàn toàn đi ngược lại lợi ích quốc gia và dân tộc của nước đó”.

Nguồn: Đỗ Thảo/Năng lượng và Khoáng sản

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *