Tiếp vụ lấy ý kiến trẻ em vào Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi

Người xem: 161

Cuteo@

 

Hôm nay 10/3/2023, báo chí và mạng xã hội đăng tải nhiều bài viết về chuyện tổ chức “Hội nghị lấy ý kiến tham gia của trẻ em vào Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, tổ chức tại trường THCS Lương Yên, Hà Nội”. Ý kiến củng hộ cũng lắm và ý kiến trái chiều cũng nhiều.

Về bản chất, đây là câu chuyện lấy ý kiến để xây dựng pháp luật và do đó mọi chuyện cần phải được minh định trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành mà không thể nhận định cảm tính.
 

Rà soát các quy định liên quan đến lấy ý kiến trẻ em để xây dựng văn bản pháp luật thấy có:

1. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua vào ngày 22/6/2015.

 
Tại điểm b, khoản 2, điều 76 của luật Trẻ em quy định về “Trình tự xem xét, thông qua dự án luật tại ba kỳ họp Quốc hội” thì phải tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự án luật theo quyết định của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong thời gian giữa kỳ họp thứ nhất và kỳ họp thứ hai, để nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật trước khi thông qua. 
 

Điểm a, khoản 3 điều 76 cũng quy định tại kỳ họp thứ hai, đại diện cơ quan, tổ chức, đại diện Quốc hội trình dự án luật trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, kết quả lấy ý kiến Nhân dân về dự án luật (nếu có)” và việc tổ chức lấy ý kiến tham gia của trẻ em vào dự thảo Luật đất đai sửa đổi được thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội về việc lấy ý kiến toàn dân về dự thảo Luật đất đai sửa đổi. 

Như thế, việc lấy ý kiến trẻ em để xây dựng Luật đất đai )sửa đổi) ở trường THCS Lương Yên là đúng quy trình xây dựng văn bản pháp luật.

 
2. Luật Trẻ em 2016.
 
Điều 34 Luật Trẻ em 2016 nêu rõ: “Trẻ em có quyền được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề liên quan đến trẻ em; được tự do hội họp theo quy định của pháp luật phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành và sự phát triển của trẻ em; được cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân lắng nghe, tiếp thu, phản hồi ý kiến, nguyện vọng chính đáng”.
 
Tại điểm a khoản 1 điều 74, Luật Trẻ em 2016 quy định về “Phạm vi, hình thức trẻ em tham gia vào các vấn đề về trẻ em” nêu rõ các vấn đề về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em phải có sự tham gia của trẻ em hoặc tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em tùy theo độ tuổi của trẻ em. Cụ thể là “Xây dựng và triển khai chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội”.
 
Tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 của Điều 76 Luật trẻ em quy định về “Bảo đảm sự tham gia của trẻ em trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác” ghi rõ “Nhà trường, cơ sở giáo dục khác có trách nhiệm sau đây:
 
– Tổ chức và tạo Điều kiện để trẻ em được tham gia các hoạt động Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, câu lạc bộ, đội, nhóm của trẻ em trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác; các hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội;
 
– Cung cấp thông tin chính sách, pháp luật và quy định về giáo dục có liên quan đến học sinh; công khai thông tin về kế hoạch học tập và rèn luyện, chế độ nuôi dưỡng và các Khoản đóng góp theo quy định;
 
– Tạo Điều kiện để trẻ em được kiến nghị, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về chất lượng dạy và học; quyền, lợi ích chính đáng của trẻ em trong môi trường giáo dục và những vấn đề trẻ em quan tâm;
 
– Tiếp nhận ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của trẻ em, giải quyết theo phạm vi trách nhiệm được giao hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết đến trẻ em.
 
Thực hiện quyền tham gia lấy ý kiến nguyện vọng của toàn dân, trong đó trẻ em cũng là công dân, do đó không loại trừ đối tượng này, trẻ em cũng có quyền tham gia.
 
Thêm nữa, tại điều 92 Luật Trẻ em 2016 quy định: “Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, ngoài việc thực hiện quy định tại Điều này có trách nhiệm tổ chức việc kết nối, thu thập thông tin, kiến nghị của các tổ chức xã hội và của trẻ em chuyển đến các cơ quan nhà nước để góp ý, tư vấn cho việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về quyền trẻ em; tham gia giám sát thực hiện quyền trẻ em; phát biểu chính kiến và kiến nghị của Hội đối với các cơ quan nhà nước có liên quan về các vấn đề về trẻ em và việc vi phạm pháp luật về trẻ em”.
 
Đối chiếu với các quy định nêu trên, có thể thấy Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã phối hợp với Ban Giám hiệu trường THCS Lương Yên, để tổ chức lấy ý kiến của trẻ em về những vấn đề có liên quan đến trẻ em là đúng theo các quy định của pháp luật và có sự đồng ý tổ chức, tham gia của BGH nhà trường cùng các cán bộ của Hội một cách công khai và minh bạch.
 
3.Thông tư số 36/2018/TT-BLĐTBXH của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ban hành ngày 26/12/2018 về hướng dẫn thực hiện lấy ý kiến của trẻ em trong quá trình xây dựng chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quyết định, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội về trẻ em hoặc liên quan…
 
Theo Thông tư 36, quy trình lấy ý kiến của trẻ em bao gồm các bước sau: Chuẩn bị lấy ý kiến của trẻ em; tổ chức lấy ý kiến của trẻ em; tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của trẻ em; thông tin, phản hồi ý kiến của trẻ em.
 
Chuẩn bị lấy ý kiến của trẻ em
 
– Xây dựng kế hoạch lấy ý kiến của trẻ em bao gồm: Mục đích, yêu cầu; thời gian, địa điểm; đối tượng trẻ em tham gia lấy ý kiến; nội dung cần lấy ý kiến; hình thức lấy ý kiến; kinh phí; phân công thực hiện.
 
– Thuyết minh nội dung của văn bản đang soạn thảo; xây dựng bộ công cụ lấy ý kiến của trẻ em bảo đảm khoa học, ngắn gọn, đơn giản và phù hợp với hình thức lấy ý kiến của trẻ em.
 
– Lựa chọn trẻ em tham gia lấy ý kiến bảo đảm đại diện vùng miền, dân tộc, độ tuổi, giới tính, tôn giáo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; phải lấy ý kiến của trẻ em hoặc đại diện nhóm trẻ em chịu sự tác động trực tiếp của văn bản phù hợp với mức độ trưởng thành và sự phát triển của trẻ em.
 
– Tập huấn hoặc cung cấp thông tin cho người thực hiện lấy ý kiến của trẻ em về mục đích, yêu cầu, nội dung, hình thức lấy ý kiến.
 
– Ban hành văn bản hướng dẫn hoặc đề nghị phối hợp thực hiện lấy ý kiến của trẻ em.
 
– Chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất phù hợp với hình thức lấy ý kiến của trẻ em.
 
Tổ chức lấy ý kiến của trẻ em
 

– Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản trực tiếp tổ chức lấy ý kiến của trẻ em thông qua một hoặc các hình thức sau: Phiếu lấy ý kiến của trẻ em; diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua điện thoại: thông qua môi trường mạng; các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật.

– Cơ quan, tổ chức lấy ý kiến của trẻ em, người thực hiện lấy ý kiến của trẻ em cung cấp cho trẻ em những thông tin cơ bản sau: Mục đích, yêu cầu việc lấy ý kiến của trẻ em; nội dung cần lấy ý kiến của trẻ em; hướng dẫn, giải thích cho trẻ em những thông tin liên quan đến nội dung cần lấy ý kiến và những nội dung khác mà trẻ em quan tâm.
 
– Trong quá trình tổ chức lấy ý kiến của trẻ em phải bảo đảm việc kịp thời cung cấp, giải thích thông tin, hỗ trợ cho trẻ em.
 
– Trường hợp cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản không trực tiếp tổ chức việc lấy ý kiến của trẻ em thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 49 Nghị định số 56/2017/NĐ-CP.
 
– Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thực hiện lấy ý kiến của trẻ em thông qua một hoặc các hình thức quy định tại khoản 1 và quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 5.
 
Tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của trẻ em
 
– Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản tổng hợp đầy đủ ý kiến của trẻ em vào nội dung giải trình, tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hồ sơ trình thẩm định, thẩm tra văn bản; tiếp thu những ý kiến phù hợp, bổ sung, chỉnh sửa vào dự thảo văn bản trước khi ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành; giải trình những ý kiến không tiếp thu.
 
– Trường hợp Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thực hiện lấy ý kiến của trẻ em theo đề nghị của cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản thì gửi văn bản tổng hợp kết quả lấy ý kiến của trẻ em đến cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản. Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản tiếp nhận văn bản tổng hợp và thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 6.
 
Thông tin, phản hồi ý kiến của trẻ em
 
– Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản thông tin, phản hồi việc tiếp thu ý kiến của trẻ em thông qua một hoặc các hình thức sau: Diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp báo; thông qua điện thoại; thông qua môi trường mạng; các phương tiện thông tin đại chúng; gửi văn bản đến trường học, cộng đồng, địa phương nơi tổ chức lấy ý kiến của trẻ em để niêm yết công khai; các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật.
 
– Trường hợp cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản lấy ý kiến của trẻ em thông qua Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em hoặc Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thì gửi văn bản thông tin, phản hồi về việc tiếp thu ý kiến của trẻ em cho Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam để thông tin phản hồi cho trẻ em thông qua một hoặc các hình thức quy định tại khoản 1 Điều 7.
 
Đối chiếu với hướng dẫn cụ thể của Thông tư 36, ban tổ chức đã lấy ý kiến tham gia vào dự thảo Luật đất đai sửa đổi sáng 9/3 tại trường THCS Lương Yên đối với các học sinh khối lớp 8, lớp 9. Đây là các học sinh đã có nhận thức khá, các câu hỏi mà ban tổ chức đưa ra cũng rất đơn giản, dễ hiểu phù hợp với khả năng nhận thức, trình độ của các em. Do đó, việc thực hiện tổ chức lấy ý kiến tham gia của trẻ em vào dự thảo Luật đất đai sửa đổi là đúng quy định pháp luật, phù hợp với chỉ đạo lấy ý kiến toàn dân, không trừ trường hợp nào của Quốc hội và Chính phủ. 
 
Như vậy, pháp luật đã quy định rất rõ ràng, nếu không tổ chức lấy ý kiến của trẻ em vào việc xây dựng Dự luật đất đai sửa đổi là trái quy định của pháp luật, là vi phạm nhân quyền bởi đã tước đi quyền của trẻ em.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *