“Tôi mong sự có mặt của mình sẽ giúp xoa dịu phần nào mất mát, nỗi đau của gia đình” – Peter Mathews, cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, người giữ cuốn nhật ký của liệt sĩ Hà Tĩnh Cao Xuân Tuất suốt 56 năm, xúc động nói trong ngày trở lại Việt Nam.
Người cựu binh Mỹ cảm thất rất nhẹ lòng khi được trả lại tận tay cuốn sổ – di vật vô giá của liệt sĩ Cao Xuân Tuất. Bất ngờ nhất, kể từ khi đặt chân đến Việt Nam, trở về Hà Tĩnh, ông thấy đất nước đã khác, người dân rất hiếu khách, không có thù hận, chỉ có tình bạn bè và hữu nghị.
Cựu binh Mỹ sang Việt Nam trao trả cuốn nhật ký cho liệt sĩ Hà Tĩnh
Sáng 5/6, tại xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, UBND huyện Kỳ Anh đã trang trọng tổ chức lễ tiếp nhận kỷ vật của liệt sĩ Cao Xuân Tuất do vợ chồng ông Peter Mathews, cựu binh Mỹ từng tham chiến trong chiến tranh Việt Nam mang từ Mỹ sang, sau 56 năm cất giữ.
Trước đó, báo NorthJersey (Mỹ) thông tin về việc ông Mathews hiện đang lưu giữ cuốn nhật ký của một người lính Việt Nam có tên là Cao Xuân Tuất, xóm Cao Thắng, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, hòm thư 21222Gm; nơi đóng quân ở xóm 13, thôn Trường Lâm, xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định; có cha là Cao Xuân Kế, mẹ là Lê Thị Vĩ, chị gái là Diếu.
Sau khi tiếp cận thông tin về việc cựu binh Mỹ tìm chủ nhân cuốn nhật ký, ông Trần Nhật Tân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan trong tỉnh và huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh để rà soát, đối chiếu với danh sách các cựu chiến binh, liệt sĩ tại địa phương.
Cơ quan chức năng Hà Tĩnh đã phối hợp trích lục hàng trăm hồ sơ các cựu binh, liệt sĩ trên toàn tỉnh có họ Cao. Trong đó xác định có 36 liệt sĩ quê Kỳ Anh có họ Cao và 9 liệt sĩ quê Kỳ Anh có tên Tuất, nhưng duy nhất 1 người có họ Cao tên Tuất là Cao Văn Tuất (khác tên đệm), ở xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh có nhiều thông tin khá trùng khớp.
Thông qua việc khớp nối thông tin, rà soát dữ liệu dân cư của Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh, lực lượng chức năng khẳng định, liệt sĩ Cao Xuân Tuất và Cao Văn Tuất là một người, hiện đang được ông Hà Huy Mỳ – con trai bà Cao Thị Diếu (chị gái đầu của liệt sĩ Cao Văn Tuất) hương khói, thờ phụng.
Lực lượng chức năng Hà Tĩnh đã liên hệ với ông Peter Mathews và vợ chồng cựu binh Mỹ đã đồng ý mang cuốn nhật ký sang Việt Nam, đến tận nhà trao trả lại cho thân nhân liệt sĩ Việt Nam.
Đáng chú ý, sau khi biết được câu chuyện về cựu binh Peter Mathews cùng vợ là bà Christina Mathews muốn sang Việt Nam trao trả nhật ký, hãng Hàng không quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines đã tài trợ vợ chồng ông cặp vé khứ hồi hạng thương gia từ Mỹ sang Việt Nam để ông hoàn thành tâm nguyện trao trả cuốn nhật ký.
Xuất phát từ Mỹ hôm 3/3, hai vợ chồng Peter Mathews vượt hơn 13.000 km đến Hà Tĩnh bằng các chuyến bay kéo dài hơn 24 tiếng. Đến 9h sáng nay 5/3, vợ chồng cựu binh tới gia đình ông Hà Huy Mỳ, người cháu của liệt sĩ Cao Xuân Tuất ở thôn Cao Thắng, xã Kỳ Xuân để thắp hương lên bàn thờ liệt sĩ.
Cuốn nhật ký xoa dịu nỗi đau về chiến tranh Việt Nam
Tại hội trường UBND xã Kỳ Xuân, Ủy ban MTTQ tỉnh, UBND tỉnh Hà Tĩnh, Hội cựu chiến binh cùng chính quyền huyện Kỳ Anh và đại diện thân nhân gia đình liệt sĩ Cao Xuân Tuất đã tổ chức lễ tiếp nhận kỷ vật chiến tranh là cuốn nhật ký do cựu binh Mỹ Peter Mathews lưu giữ suốt 56 năm qua.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Peter Mathews xúc động cho biết, ông rất vui khi được mời đến dự lễ trao trả cuốn nhật ký của liệt sĩ Cao Xuân Tuất.
“Tôi từ Mỹ đến tỉnh Hà Tĩnh vào ngày hôm qua, 4/3, đó là một chuyến bay dài. Tuy hơi mệt nhưng nghĩ đến sự kiện ngày hôm nay, tôi dường như quên hết mỏi mệt”, – ông bày tỏ.
Bản thân Peter Mathews là người gốc Hà Lan, sau đó nhập quốc tịch Mỹ và tham gia chiến tranh tại Việt Nam. Tháng 11/1967, ông tìm thấy cuốn nhật ký trong một chiếc ba lô bỏ lại dưới chân đồi 724, thuộc chiến trường Đắk Tô, tỉnh Kom Tum nên đã mang về Mỹ, cất giữ suốt 56 năm qua.
Sự việc tưởng như trôi vào lãng quên thì vào mùa hè năm 2022, tình cờ, ông Mathews tiếp xúc với một khách hàng có 2 người con nuôi gốc Việt. Bất ngờ, ký ức về Việt Nam tái hiện, ông Mathews đã quyết định nhờ người dịch một số trang nhật ký, đăng tải lên mạng xã hội. Thông qua sự giúp đỡ, kết nối của nhiều cá nhân, tổ chức, ông Mathews đã liên hệ được với chủ nhân cuốn nhật ký.
“Tôi nhẹ lòng, hạnh phúc vì thấy người Việt Nam đang được sống trong hòa bình. Đất nước các bạn, so với thời chiến tranh, thực sự mọi thứ đã thay đổi nhanh chóng. Đã rất lâu rồi tôi mới được quay lại Việt Nam, đặc biệt là đến thăm gia đình thân nhân liệt sĩ. Tôi hy vọng, sự trở lại của tôi sẽ góp phần xoa dịu nỗi đau cho gia đình”, – ông thật lòng chia sẻ.
Peter Mathews cho hay, khi nhặt được cuốn nhật ký, ông đã lưu giữ suốt 56 năm qua và nghĩ đây là sứ mệnh, nhiệm vụ của mình, đồng thời, ao ước một ngày nào đó có thể tận tay trao trả lại cuốn nhật ký cho gia đình liệt sĩ Cao Xuân Tuất.
“Không có thù địch, chỉ có tình bạn bè, hữu nghị”
Cựu binh Mỹ đặc biệt ấn tượng và bất ngờ vì bên trong cuốn sổ có nhiều bài thơ, bản nhạc, hình vẽ rất đẹp. Dù không hiểu tiếng Việt, nhưng nhờ người dịch một số thông tin, xem qua cuốn nhật ký, ông cảm nhận được tinh thần lạc quan, sự lạc quan trong thời kỳ chiến tranh mà liệt sĩ Tuất đã thể hiện.
Người lính Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam nói từ tận đáy lòng rằng, sau khi trở về từ cuộc chiến, ông mất thời gian rất dài để hồi phục và giải quyết một số vấn đề cá nhân. Ông cũng mất khá nhiều thời gian để có thể cởi bỏ được những ký ức trong cuộc chiến. Khi ông cầm cuốn nhật ký về, cho người khác xem thì một số bạn bè cũng tỏ ra rất ấn tượng về chủ nhân cuốn sổ.
“Tôi nghĩ cuốn nhật ký có ảnh hưởng rất sâu sắc tới họ vì thông qua cuốn nhật ký không có sự thù hằn, thù địch mà thay vào đó là mối quan hệ bạn bè, hữu nghị. Tôi cũng xin gửi lời chúc sức khỏe cho thân nhân liệt sĩ Tuất và mong rằng gia đình có thể giữ gìn cuốn nhật ký này thật cẩn thận. Tôi muốn gia đình liệt sĩ là người đầu tiên chạm tay vào cuốn nhật ký vì từ bây giờ đây là tài sản của họ”, – cựu binh Peter Mathews nhấn mạnh.
Thay mặt gia đình, ông Hà Huy Mỳ (cháu liệt sĩ Cao Văn Tuất) đã có lời phát biểu tại buổi lễ trong tâm trạng rất xúc động.
“Cậu tôi hy sinh khi còn quá trẻ, chưa có gia đình, không để lại kỷ vật gì. Bởi vậy, khi tiếp nhận thông tin về cuốn nhật ký, tôi rất vui và xúc động. Gia đình tôi hứa sẽ tiếp tục gìn giữ cuốn nhật ký, kỷ vật thiêng liêng của người cậu”, – ông Mỳ nói.
Thân nhân liệt sĩ Tuất cũng cảm ơn ông Peter Mathews vì đã gìn giữ cuốn nhật ký và trao lại cho gia đình. Ông cũng nói lời cảm kích vì các cơ quan, đơn vị, tổ chức đã nỗ lực xác minh, kết nối để kỷ vật duy nhất của liệt sĩ Cao Văn Tuất được trở về với gia đình.
Bà Dương Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã cảm ơn nhiều đơn vị, cá nhân đã tài trợ, kết nối để ông Peter Mathews đến Hà Tĩnh. Lãnh đạo địa phương đánh giá, kỷ vật là cầu nối để hàn gắn vết thương chiến tranh, hướng tới cuộc sống tốt đẹp.
“Chính quyền sẽ đồng hành cùng gia đình gìn giữ cuốn sổ để phát huy truyền thống gia đình, tiếp tục cuộc sống tươi đẹp mà sinh thời liệt sĩ Tuất hằng mong muốn”, – bà Dương Thị Vân Anh nói.
Hôm nay, ông Peter Mathews lấy cuốn sổ, trao cho bà Cao Thị Nồng, 78 tuổi, em gái liệt sĩ Tuất.
“Tôi nghĩ cuốn nhật ký này có ý nghĩa rất lớn vì nó có giá trị tinh thần và giá trị lịch sử. Tôi mong gia đình liệt sĩ sẽ cất giữ cẩn thận”, – ông trân trọng nói.
“Mỗi khi nhìn thấy cuốn nhật ký, ký ức những ngày ở Việt Nam lại quay lại. Cuốn sổ đã trở thành một phần cuộc đời tôi khi có thể trả lại nó, tôi cảm thấy nhẹ lòng. Trước đó một số người hoài nghi. Sau khi được xem các trang viết, sự hoài nghi tan biến, không còn sự thù địch, thay vào đó là mối quan hệ bạn bè, hữu nghị”, – cựu binh Mỹ xúc động nói.
Tin cùng chuyên mục:
Không thể đổ lỗi cho đèn tín hiệu giao thông khi vi phạm luật
Đồng Nai: Khởi tố hai đối tượng lợi dụng quyền tự do dân chủ để xuyên tạc, xâm phạm lợi ích quốc gia
Nguyễn Xuân Diện và sự thật lịch sử về Hải chiến Hoàng sa
Con trai ông Trump nói Tổng thống Zelensky nài nỉ được mời đến buổi lễ nhậm chức