Chuyện vỉa hè cho người đi bộ: Vỉa hè không có trong sổ đỏ của các hộ kinh doanh mặt phố

Người xem: 259

Lâm Trực@

 

Thật ngạc nhiên, hôm nay báo điện tử VTCNews có bài viết “Dẹp kinh doanh vỉa hè cho người đi bộ là cực đoan, phi thực tiễn?, trong đó trích ý kiến của “chuyên gia” cho rằng, “giành lại vỉa hè cho người đi bộ là cực đoan, không có giá trị thực tiễn”. Xem ảnh chụp màn hình bên dưới đây:

 


Trong số các chuyên gia mà VTCNews dẫn lời, chỉ xin bàn về ý kiến của TS Nguyễn Minh Phong, nguyên trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội. Toàn bộ phát biểu của anh được chụp màn hình dưới đây:

 

 

Tôi cho rằng, TS Nguyễn Minh Phong chỉ nói đúng là “vỉa hè lộn xộn như hôm nay không chỉ do lỗi của người dân mà chính quyền cũng có trách nhiệm không nhỏ”. Và anh cũng có thể đúng khi nói với VTCNews rằng: “Nói đúng hơn, chính quyền yếu kém, buông lỏng trong quản lý, một số nơi bảo kê, làm luật cũng là một nguyên nhân dẫn đến loạn vỉa hè”.
 
Vỉa hè thật ra đã bị các hộ kinh doanh mặt phố lấy mất từ rất lâu. Đến năm 1995, Nghị định 36-CP về bảo đảm an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị ra đời, quy định cấm lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường. Đây là cơ sở pháp lý để người dân cũng như chính quyền lấy lại vỉa hè bằng các quy phạm pháp luật cụ thể. Hà Nội cũng đã nhiều lần ra quân nhằm lấy lại vỉa hè cho người đi bộ, mà bản chất của nó là một nội dung cốt lõi của công tác bảo đảm an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị trên địa bàn Thành phố, nhưng tình hình vẫn không chuyển biến. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, có phần nguyên nhân như TS Nguyễn Minh Phong nói với VTCNews.
 
Mới đây, trong nỗ lực giành lại vỉa hè cho người đi bộ, Ban Chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 01/KH-BCĐ197 về tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023, theo đó, Hà Nội sẽ kiên quyết xóa bỏ các điểm hè phố, lòng đường bị chiếm dụng trái phép. Tôi cho rằng đây là chủ trương đúng, trước hết và chủ yếu là vì lợi ích của người dân. Chủ trương này sẽ thành sự thật nếu như chính quyền các cấp vào cuộc quyết liệt trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật, không cảm tính.
 
Tôi không đồng ý với TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, giành lại vỉa hè cho người đi bộ là cực đoan, là “quan điểm chính trị” không có giá trị thực tế. Không có chuyện vỉa hè sẽ không có người đi bộ nếu không có kinh doanh trên vỉa hè như anh nói. Bởi hoạt động kinh doanh là nằm trong không gian hợp pháp của các hộ dân cư và ở đây có một thói quen kém văn minh là người kinh doanh thường lấn chiếm vỉa hè để mở rộng diện tích kinh doanh của mình, bất chấp các quy định của pháp luật, bất chấp quyền lợi của người đi bộ và nó chính là nguồn cơn của tệ tham nhũng vặt, tức bảo kê.
 
Cần nói rõ rằng, không có ai, không có thế lực nào o ép hoạt động kinh tế của người dân như anh Phong nói. Thực tế là mọi chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước đều vì dân, đều khuyến khích người dân làm kinh tế trên cơ sở tôn trọng pháp luật, tôn trọng quyền của người khác. 
 
Không thể lấy lý do dùng vỉa hè để “hỗ trợ hoạt động kinh tế của người dân trong bối cảnh thất nghiệp đang rất nhiều, các hoạt động kinh tế đang khó khăn… không có vỉa hè thì kinh tế thương mại kém hiệu quả”. Bởi không có cơ sở khoa học nào để anh kết luận như thế. Trên thực tế, các hộ kinh doanh trong nhà có mặt phố vẫn hoạt động bình thường mà không cần phải lấn chiếm vỉa hè. 
 
Thêm nữa, bản thân từ “lấn chiếm vỉa hè” đã nói lên rằng, đó là hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, không thể dùng hành vi vi phạm pháp luật để hỗ trợ hoạt động kinh tế được. 
 
Cuối cùng, để kết thúc bài viết, xin dẫn lời Fb Xuân Lê: “Nói trắng phớ và đơn giản, vỉa hè không có trong sổ đỏ của các hộ kinh doanh mặt phố. Tham lam chiếm cái không phải của mình làm của riêng là cái sai thứ nhất. Chiếm của công làm của riêng phục vụ lợi ích riêng là cái sai thứ hai. Lấy cái nghèo, thất nghiệp để biện minh cho hành vi vi phạm pháp luật là cái sai thứ ba. Cố tình bao biện cho người kinh doanh lấn chiếm vỉa hẻ, bất chấp quyền lợi của người đi bộ là cái sai thứ tư. Đó là chưa kể đến việc làm đó ảnh hưởng đến trật tự giao thông, mỹ quan đô thị và đi ngược lại mong mỏi của đại đa số người dân.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *