Bệnh viện đã mua sắm được máy móc, phục vụ công tác khám chữa bệnh. Riêng tại TP HCM các hướng dẫn mới đã giải quyết khoảng 80% việc mua sắm thiết bị y tế, vật tư…
Sáng 10-3, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến “Hướng dẫn triển khai Nghị định 07/NQ-CP ngày 3-3-2023 và Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 4-3-2023 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.
Hội nghị phổ biến các văn bản tháo gỡ “nút thắt” trong mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế kết nối điểm cầu Bộ Y tế đến gần 1.300 điểm cầu trên cả nước.
Tại đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ bước đầu tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế của các cơ sở y tế trong công tác mua sắm, đấu thầu, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.
“Mục đích cuối cùng là không được để thiếu thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị y tế mà cần có giải pháp thay thế để phục vụ người bệnh… Dù khó khăn thế nào cũng phải khắc phục bằng được”- ông nhấn mạnh.
Đánh giá về Nghị định 07 và Nghị quyết 30, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết ngay khi 2 văn bản này ban hành, Sở Y tế TP HCM đã họp với các đơn vị y tế trên địa bàn thành phố. Hầu hết các cơ sở này đều đánh giá rằng Nghị định 07 và Nghị quyết 30 đã giải quyết khoảng 80% vấn đề mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất.
Theo ông Nam, Nghị quyết 30 đã gỡ khó khăn cho các bệnh viện khi thanh toán BHYT đối với các dịch vụ thực hiện bằng “máy đặt, máy mượn”, tuy nhiên cần sớm đưa nội dung này vào luật để ổn định, không thể để vướng mắc thanh toán như thời gian vừa qua khiến các bệnh viện hoang mang.
Ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa, cho biết các hướng dẫn mới đã giải quyết được khó khăn trước mắt trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, giúp các cơ sở y tế nhanh chóng mua sắm được máy móc, phục vụ công tác khám chữa bệnh.
Ông Hùng đề xuất thêm cần phải có cơ chế, quy định “dài hơi” hơn, không thể để hết năm 2023 lại khiến các bệnh viện “rối bời” trong việc mua sắm trang thiết bị y tế. Ngoài ra, đối với một số máy móc, hóa chất độc quyền chỉ có 1-2 doanh nghiệp cung ứng thì nên bỏ đấu thầu mà hướng tới việc đàm phán giá.
Đồng tình với điều này, nhiều cơ sở y tế cũng cho rằng 2 văn bản mới đã quyết được vướng mắc, lo lắng của hầu hết giám đốc các bệnh viện thời gian qua. Đây là cơ sở pháp lý để các cơ sở y tế quyết tâm không để thiếu vật tư, thiết bị y tế trong công tác chăm sóc điều trị người bệnh.
Tin cùng chuyên mục:
Không thể đổ lỗi cho đèn tín hiệu giao thông khi vi phạm luật
Đồng Nai: Khởi tố hai đối tượng lợi dụng quyền tự do dân chủ để xuyên tạc, xâm phạm lợi ích quốc gia
Nguyễn Xuân Diện và sự thật lịch sử về Hải chiến Hoàng sa
Con trai ông Trump nói Tổng thống Zelensky nài nỉ được mời đến buổi lễ nhậm chức