UBND thành phố Hà Nội ban hành Văn bản số 437/UBND-NC ngày 21-2-2023 về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố.
Để kịp thời khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố trong thời gian tới, UBND thành phố yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã phải xác định rõ vị trí, tầm quan trọng của công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia triển khai thực hiện.
UBND thành phố yêu cầu phải thống nhất nhận thức làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là tự bảo vệ tính mạng, tài sản của chính mình, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nói chung và của Thủ đô Hà Nội nói riêng.
Thành phố yêu cầu tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng quy định các chủ trương, chính sách, hệ thống pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để tạo sự chuyển biến rõ nét hơn nữa trong công tác này, không để việc triển khai, thực hiện chưa đạt được yêu cầu đề ra, còn có sự buông lỏng trong quản lý như ở một số đơn vị hiện nay.
Thành phố yêu cầu tăng cường giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; gắn kết chặt chẽ phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy, nhất là tại các địa bàn, cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ, cháy rừng, sự cố, tai nạn. Định kỳ kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, kiên quyết thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động các cơ sở không đủ điều kiện.
Xử lý dứt điểm đối với cơ sở không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào sử dụng trước Luật Phòng cháy, chữa cháy năm 2001 có hiệu lực và các công trình đưa vào hoạt động nhưng chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy…
Công khai 100% dự án, công trình vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cơ quan, tổ chức và người dân cùng tham gia giám sát. Tiếp tục bố trí kinh phí cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nói chung, ưu tiên bố trí kinh phí tập huấn, trang bị phương tiện và duy trì hoạt động của lực lượng dân phòng…
Theo Chương trình công tác dự kiến trong năm 2023, Thanh tra Bộ Công an sẽ tiến hành kiểm tra toàn diện các mặt công tác về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố.
Để chuẩn bị các điều kiện phục vụ khi đoàn thanh tra làm việc, UBND thành phố chỉ đạo thủ trưởng các đơn vị và chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chủ động tự đối chiếu, rà soát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện của đơn vị mình để phát huy những kết quả đã đạt được, kịp thời khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế (nếu có) trong thực hiện các nhiệm vụ được giao tại các chương trình, kế hoạch chuyên đề, văn bản chỉ đạo của thành phố và các quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; không để xảy ra các sai phạm, tồn tại, hạn chế tại đơn vị mình quản lý.
Tin cùng chuyên mục:
Quy định mới về cấp bậc và tuổi nghỉ hưu trong quân đội
Những người thầy ươm dưỡng tương lai
Vụ tai nạn thương tâm từ máy bay không người lái: Hồi chuông cảnh báo về an toàn công nghệ
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân