Bắt giữ nhóm đòi nợ thuê cho ngân hàng

Người xem: 140

Hàng chục cảnh sát vũ trang đã đột kích Công ty Luật TNHH Pháp Việt ở TP HCM, phát hiện 130 người có dấu hiệu hoạt động xã hội đen, đòi nợ thuê cho các ngân hàng.

 

Ngày 22/2, Cục Cảnh sát hình sự (C02, Bộ Công an) cho biết đang phối hợp Công an Tiền Giang, TP HCM và các đơn vị nghiệp vụ làm rõ hành vi của Công ty luật TNHH Pháp Việt (trụ sở trên đường Lê Văn Huân, quận Tân Bình).

Nhà chức trách đã tạm giữ hình sự 15 người, song chưa công bố danh tính.
 
Trước đó, sau thời gian dài theo dõi, trưa 14/2, hàng chục cảnh sát vũ trang ập vào trụ sở Công ty luật TNHH Pháp Việt, bắt quả tang gần 130 người có dấu hiệu đòi nợ thuê, thu nhiều tang vật. Công ty luật này đăng ký hoạt động được khoảng hai năm. Hàng ngày có nhiều người trong khoảng 20 tuổi, ăn mặc lịch sự, vào làm việc trong căn nhà 4 tầng.
 
Nhóm này bị cáo buộc lợi dụng danh nghĩa công ty luật, hợp tác với các ngân hàng, công ty tài chính… để “xử lý nợ xấu”. Sau đó, những người của công ty luật thực hiện các hành vi đòi nợ thuê kiểu xã hội đen, khủng bố tinh thần người nợ tiền như: gọi điện, nhắn tin hăm dọa; đặt bình gas, mang quan tài đến nhà, đe doạ; hù sẽ gây nổ cơ quan của các “con nợ” hoặc người thân của họ để buộc trả tiền.
 
Theo điều tra ban đầu, hàng tháng, nhóm này lấy tiền công 140.000-240.000 đồng trên một hợp đồng khách vay với ngân hàng, công ty tài chính. Tổng số tiền mà các nghi phạm đòi được là gần 1.000 tỷ đồng. Hành vi của công ty luật này bị phát hiện khi một số nạn nhân ở Tiền Giang trình báo cảnh sát.
 
Ngày 21/2, Bộ trưởng Công an đã có thư khen Công an Tiền Giang, C02, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Cục kỹ thuật nghiệp vụ; đánh giá đây là chiến công xuất sắc, thể hiện sự chủ động trong nhận diện thủ đoạn tội phạm mới.
 
Trước đó, hồi tháng 12/2022, Công an TP HCM cũng triệt phá ổ nhóm núp bóng Công ty Luật TNHH Power Law để Vu khống đòi nợ. Công ty này có 3 luật sư, còn lại là nhân viên, chuyên đi mua nợ xấu của các công ty tài chính, ngân hàng, app cho vay, sau đó đi thu hồi nợ.
 
Cảnh sát xác định, mô hình này không phải tín dụng đen, mà lợi dụng không gian mạng để khủng bố tinh thần, vu khống người vay. Có khoảng 300 bị hại trên cả nước đã bị nhóm người này bôi nhọ danh dự, buộc phải trả nợ. Không chỉ người vay tiền, mà người thân, bạn bè và đồng nghiệp của họ cũng bị cắt ghép ảnh với nội dung xấu, sai sự thật đăng lên mạng bêu rếu.
 
Quốc Thắng – Phạm Dự

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *