Khi nghệ sĩ đi nước ngoài: Không chỉ là chuyện cá nhân

Người xem: 326

Sau sự việc liên quan đến 2 nghệ sĩ Việt Nam bị cáo buộc vi phạm pháp luật ở Tây Ban Nha, vấn đề về quản lý nghệ sĩ, diễn viên ra nước ngoài được nhiều chuyên gia đặt câu hỏi. Đó là thiếu sót, sơ suất hay do chưa có giải pháp thực sự hiệu quả.
 
“Qua mặt” cơ quan quản lý?
 
Những ngày gần đây, tin tức liên quan đến 2 nghệ sĩ Việt Nam bị cáo buộc vi phạm pháp luật ở Tây Ban Nha tràn ngập báo chí và mạng xã hội. Động thái mới nhất của Đài Truyền hình Việt Nam xung quanh việc cắt, hạn chế những chương trình, phim có liên quan đến 2 nghệ sĩ nói trên, cho thấy việc xử lý sự cố liên quan đến nghệ sĩ, nhất là khi sai phạm xảy ra tại nước ngoài còn khá đơn lẻ.
 

Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh và diễn viên Hồng Đăng ra nước ngoài khi chưa được cơ quản chủ quản cho phép.

Tuy nhiên, vấn đề được nhiều người đặt câu hỏi là việc 2 nghệ sĩ hiện công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập, nhưng ra nước ngoài mà cơ quan quản lý hoàn toàn không hay biết cho đến khi lùm xùm xảy ra.
 
Cụ thể trước một số thông tin rầm rộ liên quan việc diễn viên Hồng Đăng và nhạc sĩ Hồ Hoài Anh gặp “sự cố”, NSND Trung Hiếu – Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho biết, Hồng Đăng có xin phép đi nước ngoài nhưng do việc bận nên ông chưa ký. Hiện nay Nhà hát chưa liên hệ được với diễn viên Hồng Đăng. Theo quy định, khi diễn viên Nhà hát Kịch Hà Nội đi công tác nước ngoài còn phải báo cáo lên cơ quan chủ quản là Sở VH&TT Hà Nội.
 
Về trường hợp nhạc sĩ Hồ Hoài Anh – PGS.TS Lê Anh Tuấn – Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho biết, Hồ Hoài Anh ra nước ngoài hoàn toàn không xin phép cơ quan chủ quản. Do đó, khi trở về, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh phải tới trường trình diện và làm văn bản tường trình. Trong thời gian này, tất cả hoạt động, những gì liên quan đến hình ảnh, công việc của Hồ Hoài Anh sẽ bị trường đình chỉ và chờ nhạc sĩ này về để có hướng xử lý tiếp theo.
 

Liên quan đến sự việc trên, PGS. TS, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường – Trưởng ban Kiểm tra Hội Âm nhạc Hà Nội chia sẻ: “Tôi ngày xưa ở cơ quan đi ra ngoài làm việc hoặc đi bất kỳ một tỉnh nào trong nước cũng phải báo cáo, xin phép. Còn sự việc vừa qua, một người nói là tôi báo cáo nhưng ông (cấp trên – PV) không trả lời, vậy là không được. Người ta đi vắng không trả lời thì anh phải đợi người ta về mới được đi”.

http://tintuctrel.tamnghiathemes.com/2022/07/khi-nghe-si-i-nuoc-ngoai-khong-chi-la.html

 
Cần siết chặt quy định, nâng cao trách nhiệm
 
Liên quan đến chuyện nghệ sĩ, người đẹp ra nước ngoài biểu diễn, đã có hàng loạt lùm xùm liên quan đến việc người đẹp đi thi “chui” ở các giải sắc đẹp quốc tế. Sau đó, Nghị định 144/2020/NĐ-CP ban hành ngày 14/12/2020 quy định điều kiện, thủ tục đối với cá nhân Việt Nam ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu.
 
Theo đó, Nghị định đã cho phép công dân Việt Nam không phải xin phép Cục Nghệ thuật biểu diễn mà chỉ cần cơ quan quản lý văn hóa địa phương xác nhận để đi thi. Sự thông thoáng này là tín hiệu vui để nhan sắc và tài năng Việt thuận lợi hơn trong hành trình khẳng định mình. Tuy nhiên, bước chân ra môi trường quốc tế, không còn là tên tuổi cá nhân mà đó là bộ mặt quốc gia.
 
Đã có không ít trường hợp nghệ sĩ ra nước ngoài với lý do đi du lịch, nhưng sau đó lại biểu diễn trong một số chương trình ở hải ngoại. Một số trường hợp bị xử phạt hành chính nhưng như nhận xét của nhiều người, các mức phạt đó chẳng khác nào “muối bỏ biển”, chưa đủ mạnh để “thuốc đắng dã tật”. Thậm chí, không cần phải biểu diễn, ngay cả trong lối sống, các nghệ sĩ cũng cần chú ý để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực như câu chuyện của 2 nam nghệ sĩ Việt Nam ở Tây Ban Nha là ví dụ điển hình.
 
Với nghệ sĩ tự do, việc quản lý còn nhiều điều cần phải xem xét thì với nghệ sĩ thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập, trách nhiệm trước hết thuộc về cơ quan chủ quản. Theo PGS. TS, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường – Trưởng ban Kiểm tra Hội Âm nhạc Hà Nội: “Các nhạc sĩ, diễn viên, đạo diễn phải luôn nghĩ mình là người của công chúng, phải giữ uy tín, danh dự của mình, đặc biệt là khi làm việc ở nước ngoài. Nhận thức của các bạn nghĩ đó là chuyện cá nhân nhưng quên mất trách nhiệm của bạn với xã hội.
 
Mặt khác, theo quy chế, diễn viên ra nước ngoài phải được cấp phép, nhưng cần phải làm rõ một số nội dung như họ ra ngoài làm gì? Đồng thời, người đi nước ngoài phải có đầu mối thứ 2 để liên hệ trong trường hợp mất liên lạc. Tôi cho rằng các quy định cần chặt chẽ hơn, vì tôi biết có những vụ người ra nước ngoài rồi trốn ở lại. Tất cả những điều đó, ngoài quy chế Nhà nước, cơ quan chủ quản cần có trách nhiệm. Người lãnh đạo khi đưa diễn viên ra nước ngoài cần chọn lọc, bởi khi đó anh không chỉ mang danh hiệu cá nhân mà còn của đất nước”.
 

Các chuyên gia nhấn mạnh, sự việc vừa qua là một lời nhắc nhở đối với tất cả nghệ sĩ, nhạc sĩ, diễn viên luôn phải giữ gìn uy tín, danh dự của mình khi làm việc ở nước ngoài. Khi hoạt động nghệ thuật ở môi trường quốc tế, vi phạm của nghệ sĩ không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn rộng lớn hơn. Giá trị hay đích đến cuối cùng của nghệ thuật vẫn là cái đẹp và người làm nghệ thuật trước hết hãy tử tế, thành thật và biết giữ mình để tạo dựng những giá trị lâu dài, bền vững.

Nguồn: Kinh tế & Đô thị

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *