Bài chép về từ thegioitiepthi.vn
Cơ quan công tố đã xoáy vào việc con gái cựu sếp Ngân hàng Đông Á đứng tên mua hàng triệu cổ phần được Bộ Công an làm rõ nhưng ông Bình nói con ông không hề hay biết.
Chiều 4/12, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử bị cáo Trần Phương Bình (SN 1959; nguyên Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Á-DAB), Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”, SN 1975; Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79) cùng 24 đồng phạm. Trong buổi chiều 4/12, đại diện VKSND TP.HCM đã thực hiện việc xét hỏi bổ sung.
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ tại toà
Thông tin mới nhất phóng viên nhận được là đến chiều 4/12, gia đình Vũ “nhôm” đã khắc phục đầy đủ số tiền 203 tỉ đồng mà bị cáo đã chiếm đoạt từ DAB. Trong khi cựu sếp DAB chỉ mới khắc phục được 5 tỉ đồng.
Trong các phiên toà trước, ông Trần Phương Bình thừa nhận nguyên nhân khiến DAB lỗ là do ông dùng tiền ngân hàng mua cổ phần đứng tên người thân, gia đình và mua cho chính mình.
Vế vấn đề này, ông Trần Phương Bình nói rằng giấu vợ con, không cho họ biết và không trao đổi, bàn bạc. Tuy nhiên, trước đây, Bộ Công an đã làm rõ bà Trần Phương Ngọc Thảo (con gái ông Bình) ký tên mua hàng triệu cổ phần DAB thì ông Bình nói rằng con ông không hề hay biết. Ông phân trần rằng khi con gái về nước đã nhờ con ký tên giùm và khi ký tên thì con ký chứ không biết đó là ký mua cổ phần!
Trước đó, đại diện VKSND TP.HCM đã thẩm vấn đại diện Ngân hàng Nhà nước xoay quanh việc tăng vốn điều lệ của DAB lên 6.000 tỉ đồng trong khi ngân hàng đang làm ăn thua lỗ. Trả lời VKS, ông Võ Văn Thuần, Phó cục trưởng Cục Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước (TTGSNHNN) cho biết việc tăng vốn điều lệ của DAB căn cứ vào Đại hội đồng thường niên biểu quyết. Từ đó ra nghị quyết giao cho HĐQT ra văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM.
Và DAB đã nhiều lần đề nghị tăng vốn nhưng không được chuẩn y do không đạt yêu cầu. Khi DAB đạt đầy đủ yêu cầu thì Ngân hàng Nhà nước mới đồng ý cho tăng vốn. VKS đề nghị Ngân hàng Nhà nước cung cấp biên bản kiểm tra việc DAB sau khi tăng vốn điều lệ.
Ông Thuần khẳng định để tăng vốn phải có nguồn vốn hợp lệ, hợp pháp, nguồn tiền minh bạch rõ ràng. Nguồn tiền phải do cá nhân, tổ chức nộp vào chứ nếu là tiền vay của chính DAB rồi dùng để tăng vốn là không được chấp nhận.
Tuy nhiên, ông Thuần trả lời đến đây thì chủ toạ nói rằng giai đoạn từ 2007 – 2014 tất cả nguồn tiền nằm tại DAB là nộp khống. Sau đó, HĐXX chất vấn Phó cục trưởng Cục TTGSNHNN về trách nhiệm kiểm tra, giám sát. Ông Thuần nói rằng, Trần Phương Bình và đồng phạm quá tinh vi, thực hiện vi phạm trong thời gian dài nên chỉ bằng nghiệp vụ chuyên môn không thể phát hiện ra.
Về việc này, HĐXX nhấn mạnh các bị cáo tinh vi thì toà sẽ xem xét và khi đó sẽ xem xét luôn trách nhiệm của cơ quan TTGSNHNN.
Phiên toà kết thúc phần xét hỏi vào cuối giờ chiều 4/12 và tạm nghỉ đến ngày 7/12 luận tội.
KIM NGÂN
Tin cùng chuyên mục:
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Từ Đại biểu Quốc hội đến vòng lao lý
Luật sư Phan Hòa Nhựt đối mặt với đề nghị truy tố và mức án tối đa 15 năm tù
Việt Nam – Cột mốc quan trọng trên bản đồ đa phương toàn cầu
Hà Nội: Những chính sách nhân văn hướng đến người có công