Cô giáo quỳ xin lỗi phụ huynh: Phạt hay là buông tay?
VNN – Vụ việc cô giáo phải quỳ gối trước mặt phụ huynh mấy ngày qua đã trở thành chủ đề nóng khắp các mặt báo và các mạng xã hội. Tôi không muốn bàn thêm về cách hành xử của cô giáo cũng như của nhóm phụ huynh khi sự việc diễn ra, bởi dù đúng sai tới đâu thì giờ đây cũng đã là nỗi đau khó phai mờ với cả hai phía. Tôi chỉ muốn bàn sâu hơn về khía cạnh: nên hay không nên áp dụng hình phạt với học sinh khi các em phạm lỗi?
Trường học bản thân nó đã mang những đặc thù có tính trọng trách rất riêng. Môi trường giáo dục luôn đòi hỏi tính kỷ luật hơn bất cứ nơi nào khác. Đi học phải đúng giờ, nghỉ học phải xin phép, bài tập phải làm, trong giờ học phải tập trung không nói chuyện là những điều bắt buộc, không thể có ngoại lệ. Làm đúng làm đủ và làm tốt tất cả những điều đó được thưởng thì vi phạm phải chịu phạt là lẽ đương nhiên. Thử tưởng tượng nếu không bị phạt và học sinh cứ tự do vi phạm những điều kể trên thì trường học sẽ như thế nào?
Thời tôi đi học, chẳng đứa học trò nào trong đời không từng chịu phạt từ thầy cô, phạt đúng tội cũng có mà phạt oan cũng nhiều, ngay cả đứa ngoan hiền nhất thì cũng phải vài lần ăn đòn oan bởi nhiều thầy cô còn áp dụng hình phạt tập thể mỗi khi có đứa học trò phạm lỗi. Nhẹ thì úp mặt vào tường, cấm ra chơi, làm vệ sinh lớp học còn nặng thì bị lấy thước kẻ gõ vào tay, đét vào mông hoặc bêu tên trước toàn trường giờ chào cờ đầu tuần.
Việc bị phạt như một điều tất yếu của lứa tuổi học sinh, bình thường đến độ chẳng ai thắc mắc cũng chẳng phụ huynh nào nhặng sị lên nếu thấy con mình bị đánh bầm mông. Những cái thước kẻ gỗ to sụ nặng chịch là nỗi ám ảnh của học trò thủa đấy nhưng chẳng đứa nào mảy may có ý nghĩ oán ghét thầy cô. Hình ảnh người thầy lúc đó là bao hàm cả kính trọng, biết ơn lẫn e sợ.
Gần đây, tức là khoảng hai chục năm đổ lại, các hình phạt với học sinh như thế không còn được khuyến khích và dần dần trở thành điều cấm kỵ. Nền giáo dục hiện đại đề cao việc tôn trọng nhân phẩm học sinh nên nghiêm cấm những hình phạt mang tính xúc phạm hoặc bạo hành. Thầy cô đã không còn phạt học sinh phổ biến như xưa, chẳng phải vì học sinh chăm ngoan hơn mà đơn giản chỉ vì họ sợ đụng chạm.
Không phạt thì không có biện pháp răn đe nhưng phạt thế nào để không bị coi là quá vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp của nhiều giáo viên đến mức khi sự việc cô giáo bị quỳ xảy ra tôi đã nhận được không ít phản hồi than thở về sự ngỗ nghịch của học trò của những người bạn, người chị mấy chục năm đứng trên bục giảng mà giờ bất lực trước chiêu trò cả của học sinh lẫn phụ huynh. Không ít người trong số họ chấp nhận im lặng thỏa hiệp cho qua chuyện để tránh những rắc rối không đáng có từ phía phụ huynh và nhiều hơn là từ cộng đồng xã hội.
Nhiều người cứ lấy giáo dục phương Tây ra để so sánh và cho rằng không cần roi vọt thì học sinh bên đó vẫn có kỷ luật đấy thôi. Xin thưa, đúng là ở các nước phát triển không có chuyện đòn roi với học sinh, cái tôi của các em rất được tôn trọng, nhưng không có nghĩa học sinh phương Tây đi học không bị phạt. Ngay từ đầu năm học phụ huynh đã được giáo viên thông báo cụ thể các mức hình phạt giáo viên sẽ áp dụng với học sinh và sau đó cứ theo đó mà làm.
Hình thức phạt khá đa dạng, từ chép phạt, cấm túc khi ra chơi, bắt phải ở lại trường tự ngẫm trong một vài giờ hoặc mời phụ huynh lên trao đổi… do giáo viên tự đề ra và thống nhất với phụ huynh sau đó cứ thế tiến hành. Kỷ luật trong lớp học rất nghiêm, không có bất cứ sự du di nào và học sinh dù nghịch đến mấy cũng rất tôn trọng thầy cô.
Ngược lại, học sinh cũng được tôn trọng và được cư xử rất bình đẳng từ các thầy cô giáo. Con tôi, đứa đang học trường quốc tế tại Việt Nam, đứa đang học nước ngoài vẫn bị cô phạt thường xuyên khi mắc lỗi, có lần cả bố cả mẹ còn bị mời lên vì con đã có thái độ không lịch sự khi nói chuyện cùng cô giáo.
Để dẫn đến hệ quả như hôm nay, học sinh ngày càng nhiều đối tượng hung hăng vô kỷ luật, không biết tôn trọng thầy cô hay người lớn, sẵn sàng ăn thua đủ với nhau kể cả bằng những cách tàn bạo còn thầy cô cũng có không ít người chấp nhận mũ ni che tai, bàng quan vô cảm để được yên ổn thì phải xót xa mà thừa nhận rằng: giáo dục của chúng ta đã sai từ gốc.
Đã đến lúc Bộ giáo dục cần phải có biện pháp cởi trói cho giáo viên bằng những quy định cụ thể những quy tắc ứng xử trong môi trường sư phạm, nhất là các chế tài xử phạt học sinh, may ra còn kịp vực dậy nền tảng đạo đức nơi học đường. Không thể có một con người ưu tú nếu điều căn bản nhất là biết tôn trọng người khác và tự trọng cũng không được dạy thấu đáo.
Hôm nay, việc một cô giáo phải quỳ trước phụ huynh nếu không được nhìn nhận từ nguyên căn thì rồi vẫn còn tiếp diễn nhiều hơn nữa những con người phải quỳ gối trong tương lai.
Tin cùng chuyên mục:
Công an Hà Nội lập công lớn trong cuộc chiến chống tội phạm xuyên quốc gia
Thực phẩm chức năng giả: Hiểm họa từ những lời quảng cáo thổi phồng
Việt Tân và những luận điệu xuyên tạc cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam
Ngô Đình Diệm trong con mắt người dân miền Nam