Phản bác lý sự “chủ quyền” của Trung Quốc ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
QĐND – Thứ sáu, 13/06/2014
Gần đây, trong một số hội nghị, hội thảo quốc tế, một số quan chức cao cấp, tướng lĩnh, nhà ngoại giao, học giả Trung Quốc lên tiếng khẳng định, ngay từ thế kỷ thứ II trước Công nguyên, tức thời nhà Hán, người Trung Quốc đã tiến hành hoạt động hàng hải ở Biển Đông và phát hiện ra quần đảo “Tây Sa” (Hoàng Sa) và Trung Quốc có chủ quyền ở quần đảo “Nam Sa” (Trường Sa)… Tất cả những “lý lẽ” ấy đều nhằm biện minh quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nằm trong lãnh thổ của Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu đi sâu vào phân tích, ta sẽ thấy chúng chỉ là những lập luận vô căn cứ từ phía Trung Quốc.
Nguyên tắc xác định “quyền thụ đắc lãnh thổ” trong pháp luật quốc tế
Trong lịch sử phát triển lâu dài của pháp luật quốc tế, những nguyên tắc và quy phạm pháp luật xác lập chủ quyền lãnh thổ đã được hình thành trên cơ sở thực tiễn quốc tế (như: “Chiếm hữu thật sự”, “chủ quyền lịch sử”, “khoảng cách địa lý”…) nhưng nguyên tắc “thụ đắc lãnh thổ quốc gia” mới là phương thức đánh giá một cách khách quan, khoa học đối với các quan điểm pháp lý do các bên tranh chấp chủ quyền nêu ra và trở thành nguyên tắc được thế giới thừa nhận sử dụng rộng rãi và gọi là nguyên tắc “quyền thụ đắc lãnh thổ quốc gia”.
Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam. Ảnh: doisongphapluat.com.
Từ thế kỷ XVI, các cường quốc hàng hải đã tìm ra nguyên tắc pháp lý áp dụng cho việc thụ đắc lãnh thổ đối với những vùng lãnh thổ mà họ mới phát hiện, bao gồm nguyên tắc “quyền ưu tiên chiếm hữu” (hay còn được gọi là nguyên tắc “quyền phát hiện”) và cùng với đó là nguyên tắc “chiếm hữu thật sự”.
Theo nguyên tắc “quyền ưu tiên chiếm hữu”, luật pháp quốc tế dành quyền ưu tiên chiếm hữu cho quốc gia đã phát hiện vùng lãnh thổ đó đầu tiên. Việc “phát hiện” sau này được bổ sung bằng việc “chiếm hữu danh nghĩa”, nghĩa là quốc gia phát hiện ra một vùng lãnh thổ phải để lại dấu tích trên vùng lãnh thổ mới phát hiện đó. Tuy vậy, nguyên tắc “chiếm hữu danh nghĩa” không những không giải quyết được một cách cơ bản những tranh chấp phức tạp giữa các cường quốc đối với các vùng “đất hứa”, trái lại, còn dẫn đến không ít cuộc đối đầu quyết liệt giữa các cường quốc, bởi không thể lý giải được cụ thể “chiếm hữu danh nghĩa” được lập ra bao giờ và tồn tại như thế nào… Vì vậy, sau Hội nghị về châu Phi năm 1885 của 13 nước châu Âu và Hoa Kỳ, đặc biệt, sau khóa họp của Viện Pháp luật Quốc tế ở Lausanne (Thụy Sĩ) năm 1888, người ta đã thống nhất áp dụng một nguyên tắc thụ đắc mới, đó là nguyên tắc “chiếm hữu thật sự”.
Do tính hợp lý và chặt chẽ của nguyên tắc này nên các luật gia và các cơ quan tài phán quốc tế vẫn vận dụng nguyên tắc này để giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên các hải đảo.
Cho nên, lý lẽ mà Trung Quốc sử dụng để biện minh cho quan điểm của họ sau khi dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam dựa vào cái gọi là thuyết “chủ quyền lịch sử” là một luận thuyết vô cùng lạc hậu, trái với công pháp quốc tế, không được luật pháp quốc tế dùng để xử lý các tranh chấp về thụ đắc lãnh thổ đối với các quần đảo.
Việt Nam có chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa
Trước tiên, Việt Nam có đầy đủ các bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các ghi chép lịch sử chính thức cho thấy, ít nhất từ thế kỷ XVII, các hoàng đế Việt Nam đã xác lập chủ quyền và có các hoạt động khẳng định chủ quyền, thực thi chủ quyền Nhà nước một cách hòa bình và liên tục đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khi các vùng lãnh thổ này được xem là vô chủ. Sau thời kỳ nhà Nguyễn, chính quyền bảo hộ Pháp và Việt Nam đều tiếp tục duy trì chủ quyền và quản lý trên thực tế đối với hai quần đảo này.
Tháng 8-1951, Hội nghị hòa bình San Francisco với sự tham dự của lãnh đạo 51 quốc gia, nhằm giải quyết các tranh chấp lãnh thổ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, đã công nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tháng 7-1954, các bên, trong đó có Trung Quốc, tham gia Hội nghị Geneve 1954 về lập lại hòa bình ở Đông Dương, đã ký kết Hiệp nghị Geneve công nhận và tôn trọng nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Sau khi Pháp rút, năm 1956, Trung Quốc đưa quân đánh chiếm khu vực phía Đông và tháng 1-1974, chiếm nốt khu vực phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tiếp đó, tháng 3-1988, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm đảo Gạc Ma do Việt Nam quản lý.
Theo luật pháp quốc tế, việc sử dụng vũ lực để chiếm hữu lãnh thổ là không được thừa nhận. Hành động nói trên của Trung Quốc đã vi phạm một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế là cấm sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, được ghi trong Điều 2, Khoản 4 của Hiến chương Liên hợp quốc. Do đó, việc Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa, một số đảo ở Trường Sa hiện nay là không có giá trị, dù Trung Quốc đã ở đó bao lâu và thực hiện những biện pháp gì nhằm thực thi sự quản lý. Cho nên, tuyên bố Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với “Tây Sa” (Hoàng Sa), “Nam Sa” (Trường Sa) là phi pháp.
Các đây một thập kỷ, Trung Quốc đưa ra khái niệm ”trỗi dậy hòa bình”, rồi ”phát triển hòa bình”, cam kết không bá quyền, trấn an thế giới về sự phát triển của mình. Tuy nhiên, với những hành động gây hấn và khiêu khích từ năm 2009 trở lại đây trên Biển Đông và biển Hoa Đông, thế giới đã thấy khoảng cách ngày càng lớn giữa lời nói và hành động của Trung Quốc. Thế giới đang nhìn Trung Quốc như là một cường quốc ngày càng ưa sử dụng sức mạnh để thay đổi hiện trạng trong khu vực, khẳng định chủ quyền bằng cách tạo ra những “thực tế mới” trên Biển Đông.
NGUYỄN HỒNG QUÂN
Tin cùng chuyên mục:
Nóng: Giám đốc Đại học Huế bị bắt
Nhà báo quay clip xe múc đất rồi “gợi ý quà Tết”
Phương án cải tạo sông Tô Lịch: Cần làm rõ để đảm bảo hiệu quả
Chiến công xuất sắc của công an Hà Nội: Triệt phá đường dây mua bán thận qua mạng xã hội