Ai đòi, ai phải trả nợ đây?
(LĐ) – Số 138 LÊ THANH PHONG
Tàu Trung Quốc thường xuyên đâm, va và phun vòi rồng vào các tàu làm nhiệm vụ thực thi pháp luật của Việt Nam.
Tại cuộc họp báo quốc tế lần thứ 5 về tình hình biển Đông diễn ra chiều hôm qua, báo chí trong nước và quốc tế được cung cấp thêm nhiều thông tin chính xác, khách quan từ đại diện các cơ quan hữu trách của Việt Nam.
Những chứng cứ được đưa ra hết sức thuyết phục, bác bỏ toàn bộ luận điệu xuyên tạc từ phía Trung Quốc. Và hơn thế nữa, cho thấy bộ mặt tráo trở, dối trá, lật lọng của Trung Quốc.
Sẽ không có gì hài hước hơn khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa thông tin tàu Việt Nam đâm vào tàu Trung Quốc 1.547 lần!
Không có gì chà đạp lịch sử và coi thường giới nghiên cứu và học giả thế giới bằng việc Trung Quốc đưa ra luận điệu bác bỏ việc cưỡng chiếm Hoàng Sa năm 1974. Bằng chứng của trận hải chiến chiếm Hoàng Sa của Trung Quốc sờ sờ trước mắt thiên hạ, những biện bạch vô căn cứ không thể lọt tai ai. Vậy mà họ vẫn cứ làm thản nhiên như sự thật không hề tồn tại.
Trung Quốc còn chà đạp lịch sử và sự thật bằng việc yêu cầu Việt Nam rút khỏi hàng chục đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa. Đúng ra, Trung Quốc phải trả lại những đảo mà họ chiếm đóng ở quần đảo này của VN. Cuộc tấn công quân sự chiếm Gạc Ma là món nợ chủ quyền và nợ máu xương của 64 chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ai đòi ai phải trả nợ đây?
Từ khi xảy ra vụ giàn khoan Hải Dương 981, Việt Nam đã tổ chức 5 cuộc họp báo quốc tế, chưa kể thông tin của các cơ quan báo chí trong nước và quốc tế cung cấp, người dân trong nước và thế giới hiểu rõ hơn về bộ mặt thật của Trung Quốc. Lắp đặt lại một cách hệ thống những hành xử và hành động của Trung Quốc đối với Việt Nam, cho thấy chỉ có dối trá, âm mưu thôn tính. Đến bây giờ thì không còn nghi ngờ gì về điều này nữa.
Sự tỉnh thức hôm nay bắt buộc phải nghĩ lại, đó là một thời gian quá dài chúng ta đã im lặng, không công khai toàn bộ những việc làm xấu xa, mưu tính bành trướng của phương bắc. Nhiều người dân Việt Nam không biết về sự thật Hoàng Sa năm 1974, Trường Sa năm 1988 và nhiều bước đi nguy hiểm độc chiếm biển Đông của Trung Quốc.
Mỗi công dân Viêt Nam có quyền biết rõ âm mưu của quân xâm lược để cảnh giác và chuẩn bị tâm thế, trí tuệ, sức lực bảo vệ đất nước. Quan hệ hữu nghi với bất cứ quốc gia nào cũng cần thiết và phải nỗ lực để thực hiện, nhưng hữu nghị mà mất đất, mất biển thì có tội với tiền nhân và chịu trách nhiệm với con cháu.
Tin cùng chuyên mục:
Những người thầy ươm dưỡng tương lai
Vụ tai nạn thương tâm từ máy bay không người lái: Hồi chuông cảnh báo về an toàn công nghệ
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện