TP – Không hiệu trưởng, không có trụ sở ổn định, sinh viên không trúng tuyển vẫn được vào học. Những chuyện thật như đùa đó đang xảy ra tại Trường ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu nghị Hà Nội.
6 năm, 4 lần chuyển địa điểm
Thành lập năm 2007, nhưng không có cơ sở đào tạo cụ thể, ổn định nên sau 6 năm hoạt động, trường đã 4 lần thay đổi địa điểm. Hiện cơ sở đào tạo của trường (thuê) là một tòa nhà trong khu dân cư ở Mỹ Đình 2, Từ Liêm, Hà Nội.
Mỗi tầng gồm 5 phòng học, 3 phòng làm việc. Tuy nhiên, do tòa nhà đang trong giai đoạn hoàn thiện, nên 3 lớp học ở tầng 2, 3, 4 lổn nhổn, bụi bặm, bàn ghế cũ kỹ. Phía trước cửa mỗi lớp học, những chồng gạch hoa dựng chiếm nửa lối đi. Từ tầng 5 trở lên, công nhân đang hoàn thiện phần lát nền gạch hoa, tiếng ồn xen lẫn tiếng giảng viên giảng bài.
Lớp trưởng lớp ĐH hệ từ xa Nguyễn Đức Minh nói: “Chúng tôi học tại 290 Tây Sơn, Đống Đa được 3 tháng, nay trường chuyển sang địa điểm mới mà không hề thông báo lý do và có thời khóa biểu học tập cho SV biết. Ngày 12/12/2013, nhà trường có gửi tin nhắn vào điện thoại cho cả lớp đúng 9 giờ 30 phút sáng 16/12/2013 có mặt tại Mỹ Đình để họp. Tuy nhiên, khi đến đây, những thắc mắc của chúng tôi không được đáp ứng thỏa đáng. Nhìn địa điểm mới không phù hợp với môi trường sư phạm, chúng tôi không có tinh thần để học nữa. Một số bạn trong lớp tôi đã bỏ học”.
Bát nháo tuyển chọn đầu vào
Hiện trường có gần 300 SV. Tuy nhiên, hơn một nửa trong số đó là “SV giả”. Sự việc được phát hiện từ cuối năm 2011, khi nhà trường thực hiện thanh tra tuyển sinh.
Trong số 254 hồ sơ của SV 3 khóa, từ năm 2009 đến 2011, có tới 171 hồ sơ không hợp lệ. Trong đó, 5 SV đạt 12,5 điểm, không đủ điểm sàn; 3 SV khối B, C, D không đúng khối xét tuyển của trường (trường chỉ tuyển khối A); 5 SV không có phiếu báo điểm; 12 SV không tìm thấy thông tin theo phiếu điểm dự thi; 145 SV trúng tuyển với giấy báo điểm giả.
Các SV này đều có giấy báo điểm của các trường an ninh, quân sự: Học viện Cảnh sát Nhân dân; Học viện An ninh Nhân dân…, nhưng thực tế không hề dự thi tại đây.
Trong bản tường trình lý giải về những sai phạm trên, bà Lê Thị Việt Hoa, nguyên Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu nghị, nói: “Tuyển sinh năm 2011, khi đã hết NV2, trường chỉ tuyển được hơn 50 SV. Khi đó, thầy Lê Vĩnh Thọ nguyên là Hiệu phó của trường có nói với tôi là trường giờ cần SV, nếu không có SV thì sẽ bị đóng cửa trường, nên có giới thiệu một người tên là Bồng đến và đưa những giấy báo vào trường. Thầy bảo những giấy này là giấy phô tô màu và làm của những trường trong khối An ninh, Quân sự nên không điểm lên mạng. Cho SV vào học để trường đông SV rồi người ta nhìn vào mới thấy đây là ngôi trường rồi sau sẽ đông lên. Việc tôi lờ đi cho số SV vào học là đã làm sai trong quản lý”.
Sau khi sự việc bị phát hiện, bà Lê Thị Kim Hoa và ông Nguyễn Văn Thưởng, Hiệu trưởng nhà trường, làm đơn xin nghỉ việc. Từ đó đến nay, hơn một năm, trường không có hiệu trưởng.
Tháng 12/2012, Hội đồng quản trị nhà trường bổ nhiệm GS.TSKH Đỗ Doãn Hải giữ chức Phó Hiệu trưởng. Tuy nhiên, ông Hải không đủ tiêu chuẩn theo quy định để đảm nhận nhiệm vụ này khi tuổi đã ngoài 80 (theo quy định của Chính phủ phó hiệu trưởng khi được bổ nhiệm không được quá 70 tuổi).
Tháng 11/2013, đoàn kiểm tra liên ngành của UBND thành phố Hà Nội kiểm tra trường với nội dung: “Trường chấp hành quy định của Nhà nước về tổ chức đào tạo và liên kết đào tạo theo đúng quy định phân cấp”.
Ông Hoàng Hữu Niềm, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp – Sở GD& ĐT Hà Nội, thành viên đoàn kiểm tra, cho biết: Trường ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu nghị hầu như không có gì, trường không có hiệu trưởng, không có trưởng phòng đào tạo, bộ máy quản lý hầu như không có, không có giáo viên cơ hữu. “Không thể để một trường như thế tồn tại được. Trong báo cáo liên ngành, đoàn kiểm tra đã đề nghị UBND thành phố Hà Nội và Bộ GD&ĐT đình chỉ hoạt động của trường vì không đủ điều kiện hoạt động”, ông Niềm nói.
Ở thì dở, đi cũng không xong
Năm học 2013 – 2014, trường tuyển được 11 SV. Với sĩ số quá ít, sợ trong 4 năm học sẽ gặp những bất cập hay gián đoạn, 11 SV này đã đồng loạt làm đơn xin chuyển trường khác. Tuy nhiên, Ban giám hiệu Trường ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu nghị đã không chấp nhận, tìm cách giữ SV lại.
Hiện trường có 40 SV hệ ĐH từ xa, liên kết với Trung tâm Đào tạo Thường xuyên, Đại học Đà Nẵng đã học được một thời gian . Tuy nhiên, khi chúng tôi liên lạc với TS Nguyễn Hữu Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo thường xuyên, ĐH Đà Nẵng, ông Hiển tỏ ra ngạc nhiên: “Chúng tôi chưa có quyết định thành lập lớp đào tạo ĐH từ xa với Trường ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu nghị. Muốn thành lập lớp, Trường ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu nghị gửi hồ sơ SV vào, chúng tôi trực tiếp xét tuyển. Việc thành lập lớp học hiện tại, chúng tôi không hề biết”.
Lưu Trinh
Tin cùng chuyên mục:
Vụ tai nạn thương tâm từ máy bay không người lái: Hồi chuông cảnh báo về an toàn công nghệ
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố