NGHĨ BÊN CHÂN TƯỢNG PHẬT HOÀNG

Người xem: 172

Ngày đông, gió lạnh thanh khiết và nắng ấm chan hoà. Tượng Phật Hoàng mới dựng trên đỉnh non thiêng Yên Tử, trên nền cảnh chùa Đồng, dưới là một vùng non nước bao la. Đến chân tượng, mắt nhìn khung cảnh hùng vĩ, trong ta dâng lên niềm xúc cảm không thể nói nên lời.

Đất nước lúc gian nguy đã sinh ra Trần Nhân Tông, và con người vĩ đại ấy đã làm lộng lẫy lịch sử chính trị, lịch sử vệ quốc, lịch sử văn hoá và lịch sử Phật Giáo Việt Nam. Sự hoà nhập của vị đế vương và bậc tu hành, hoá thân thành biểu tượng Tâm và Tuệ. Là vị vua, Đức Trần Nhân Tông để lại bài học cho tất cả những ai có vị trí cầm quyền, rằng quyền lực mạnh mẽ nhất là quyền lực từ nhân tâm, lớn lên do nhân tâm, được vận hành bởi nhân tâm và phục vụ cho sự bền vững của nhân tâm trong xã hội. Là bậc tu hành, Đức Trần Nhân Tông để lại minh chứng rằng Đạo là từ đời, gắn với đời , do đời mà hoàn thiện, không xa lánh mà vì đời.

Chắc chắn niềm âu lo lớn nhất của Đức Trần Nhân Tông cũng là sao cho “Nước non ngàn thuở vững âu vàng”. Vị vua đã tập hợp sức mạnh của toàn dân để bảo vệ đất nước qua các cuộc binh đao. Nhưng Người quá hiểu rằng âu vàng có thể giữ được qua khói lửa, nhưng thời bình nếu không đặt trên nền tảng vững vàng thì cũng có thể có ngày xô lệch nghiêng ngả. Bởi vậy Người dành nửa phần đời sau để xây đắp một nền tảng tinh thần vững bền cho dân tộc. Lịch sử dựng nước hàng ngàn năm, nhưng tầm nhìn ấy mấy người có được. Trên 7 thế kỷ đã trôi qua, và còn nhiều thế kỷ nữa sẽ trôi qua, càng cho thấy vóc dáng tinh thần khổng lồ của Đức Trần Nhân Tông, vóc dáng không chỉ tầm dân tộc mà còn tầm nhân loại. Tôi tin rằng sẽ còn có nhiều Viện Trần Nhân Tông được mở ra ở những trung tâm nghiên cứu danh tiếng nhất trên thế giới.

Rất khó hết ngạc nhiên về tầm vóc ấy. Nhưng đâu là cái lõi tư duy tạo ra tầm vóc của con người vĩ đại Trần Nhân Tông?. Phải chăng có thể hiểu được điều rất khó ấy qua một câu chuyện vô cùng giản dị, chỉ qua hai câu nói của Đức Phật Hoàng. Một lần giảng pháp, các tăng đã hỏi Trần Nhân Tông ba câu: Thế nào là Phật? Thế nào là Pháp? Thế nào là Tăng?. Và Trần Nhân Tông đã cho cả ba câu hỏi ấy một câu trả lời: “Hiểu theo lối trước là chẳng phải”. Trần Nhân Tông còn nói thêm rằng khi nhắc lại lời người xưa, thì: “Một lần nêu ra một lần mới”.

Quả thật ngay thời Trần triều, hoạ hay phúc cũng luôn biến đổi. Đến ba lần Nguyên Mông xâm lược thì mỗi lần cũng khác nhau. Tổ Quốc, Dân tộc mãi trường tồn, nhưng nhân dân và đất nước mỗi thời – mà cũng có thể nói mỗi ngày – mỗi khác. Lo cho dân, cho nước thì không thể theo lối cũ. Đã ở vị trí trị quốc thì phải có nền tư tưởng và chánh kiến. Nhưng nền tư tưởng ấy người thay trời hành đạo cũng phải luôn không nhìn nhận rập“theo lối trước”. Kể cả những di sản, những nguyên lý vĩ đại nhất cũng không thể giữ và hiểu ở dạng nhất thành bất biến, mà phải luôn hiểu trong hơi thở của thực tế mới (“Một lần nêu ra một lần mới”). Phải thấu cảm vận động của đất trời, xã hội mới có tầm nhìn như vậy. Có được vị vua như thế là phúc lớn cho bất cứ dân tộc nào ở bất cứ thời nào.
Tín nữ ngồi thiền nơi cao nhất của Yên Tử, bên chùa Đồng.

Dưới tượng Đức Phật Hoàng, tôi hoà vào với dòng người, từ Tây Bắc xuống, và rất nhiều từ phía Nam ra. Những tiếng nói cười rất khác nhau về âm sắc, nhưng giống nhau về niềm hân hoan và sự chân tình khi chiêm bái bức tượng đồng cao nhất và lớn nhất Việt Nam cho đến lúc này. 

Từ xưa đến nay, lúc thịnh vượng hay khi khó khăn, chẳng bao giờ người dân không góp công góp của xây chùa, đúc chuông, dựng tượng. Đó là cách người dân đầu tư cho tương lai, cho ngọn nguồn tinh thần nuôi nhiều thế hệ sau. Nếu nói đầu tư vật chất đơn thuần, ai sang Roma, sẽ hiểu người Ý bây giờ vẫn đang được hưởng nguồn lợi từ cha ông xa xưa để lại.

Vẫn biết Phật tại tâm. Vẫn biết Đức Trần Nhân Tông, sinh thời ngụ trong am nhỏ trên đỉnh hoang vu, không cần đến bất cứ hình thức tôn vinh nào. Nhưng lòng dân muốn gửi một thông điệp lớn qua một bức tượng lớn. Đến với di sản Trần Nhân Tông mỗi người một khác. Có người qua thu nạp những hiểu biết sâu sắc về tinh thần, tư tưởng của Phật Hoàng. Cũng có người từ lòng yêu trọng thành kính tự nhiên, đến với nơi non thiêng và những công trình kỳ vỹ, để rồi sau đó qua Tượng mà gần và hiểu Ý hơn. Mai sau chắc chắn Chùa Đồng, tượng đài Trần Nhân Tông cùng quần thể di tích cũ và thiên nhiên Yên Tử sẽ là nơi đến của nhiều triệu người trong, ngoài nước. Không chỉ là chuyện danh lam thắng cảnh, mà còn là cách hoằng dương những giá trị vĩnh cửu của con người và lịch sử đất nước. Sẽ có bao người Việt đến đây, nhìn, suy ngẫm, nạp vào mình nguồn năng lượng mới để sống tốt hơn. Sẽ có bao bạn bè đến đây như khách du lịch, nhưng rời đây với cảm nhận của người bạn về chiều sâu của lịch sử Việt Nam.

Công đức này, từ Tăng, ni, thiện nam, tín nữ, là vô lượng.

Trần Đăng Tuấn
3.12.2013
(Ngày An vị tượng Phật Hoàng trên Yên Tử)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *