CAY ĐẮNG !

Người xem: 187

Có một người phải chết – Vì làm nghề cô giáo

Nghề giáo mang bài học đạo đức đi dạy trẻ con làm gì, trong khi sự ứng xử đơn giản và tính người nhất là biết lắng nghe và vị tha, họ cũng không chịu dành chút nào cho cô Tuyền, để cô không còn cách gì khác hơn là phải chết.

Nghề giáo nào có phải là một chiến trường, để người ta mang nhau ra đấu tố, đuổi khỏi ngành, khai trừ, dứt bỏ? – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Đã hai tháng trôi qua rồi, kể từ ngày cô giáo mầm non Phạm Thị Mộng Tuyền ở Trà Vinh uống hết chai thuốc trừ sâu, chọn được chết, để xin minh oan cho một điều nhỏ nhặt đáng giá bằng cả sinh mạng cô.

Cái chết của cô Tuyền bắt đầu bằng một câu chuyện thật là nghề nghiệp: Cô làm gì đó mà tay bé Nguyễn Trọng Đức (5 tuổi) bị phỏng. Theo cô nói là cô thấy tay bé có mụn nước nên gỡ mụn ra, rồi quấn giấy để tay bé không dính vào nhau. Cha mẹ của bé lại cho rằng con mình không có mụn, và vết phỏng là do cô đốt lửa phỏng tay bé.

Cha mẹ của bé phẫn nộ, nhà trường, hiệu trưởng, phòng giáo dục và cả chủ tịch công đoàn ngành giáo dục cũng xúm vào phẫn nộ. “Riêng chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục chỉ cho một ý kiến duy nhất – đưa cô Tuyền ra khỏi ngành giáo dục”, theo báo Vietnamnet.

Trong lá thư tuyệt mệnh cô Tuyền viết, cô khẩn khoản xin lỗi chồng vì không đi tiếp đường hạnh phúc bên anh, xin lỗi cha mẹ, cô nói rõ mình còn cầm của trường bao nhiêu tiền và muốn chồng trả đầy đủ lại cho trường. Cô khẩn khoản viết trong thư tuyệt mệnh rằng: “Em đã bị mời xuống và bị chửi rất nhiều nên em cảm thấy rất là chán nản chỉ muốn chết cho xong, nhưng em biết là khi em chết đi anh rất là đau khổ nhưng phải chịu thôi”. Cô viết vậy rồi vào nhà vệ sinh ở trường, uống chai thuốc trừ sâu tự tử.

Cái chết của cô Tuyền khiến người ta phải giật mình tự hỏi, vì sao một người đang có một gia đình trẻ hạnh phúc, có một người chồng để yêu và nói lời âu yếm, thậm chí được các phụ huynh nói là yêu học trò đến mức học trò mất dép cũng đi mua lại cho, phải chọn cho mình định mệnh nghiệt ngã như vậy.

Và cái ngành giáo dục, phòng giáo dục, chủ tịch công đoàn giáo dục ấy liệu còn tư cách để bước lên bục giảng mỗi ngày, nói với học sinh của mình về đạo đức, nhân văn, lòng tốt, khi họ đã làm mọi thứ để tống cổ một đồng nghiệp khỏi ngành, khỏi dây dưa với tội lỗi của cô không?

Nếu ngày phát hiện tay con mình bị bỏng, phụ huynh bình tĩnh hơn (mà đó là điều quá khó khăn khi cha mẹ nào cũng đau nếu con mình bị tổn thương) để trò chuyện, đối chất, điều tra hay đơn giản nhất là tìm ra cách nào đó để cả hai có thể hiểu về mâu thuẫn trong câu chuyện khác biệt của nhau. Nhưng người cha ấy (vì quá yêu con) đã không làm vậy. Ông phẫn nộ đến mức đã đến lớp ép những đứa trẻ khác làm chứng thừa nhận là chính cô đốt bỏng tay đứa trẻ con mình. Ông làm lớn chuyện lên để cho cái kẻ ấy phải “biết tay” vì đã làm đau con trai của ông.

Từ một hành vi đúng – sai vẫn còn chưa rõ (mãi đến cả khi công an vào cuộc 1 tháng sau, họ vẫn chưa tìm ra đáp án), với một giả thiết về tội lỗi của cô, câu chuyện được thổi lên bằng những cuộc họp đồng nghiệp, hiệu trưởng, cán bộ ngành, phòng chức năng, chủ tịch công đoàn. Một cô giáo mầm non phải đứng giữa biết bao người để chịu chất vấn về chuyện “làm bỏng tay học trò” – một chuyện mà cô vẫn một mực nói rằng mình không làm và tất cả những bằng chứng người ta tìm thấy là từ những đứa bé mầm non – bạn học – được người cha phẫn nộ kia phỏng vấn.

Thay vì có một quy trình rõ rệt, nhân văn và thẳng thắn để cô giáo có quyền phân bua, cơ quan điều ra có quyền làm việc tìm chứng cứ, phụ huynh có quyền trình bày, và đứa trẻ có quyền được bảo vệ, các lãnh đạo lại biến những cuộc họp thành một thứ gì đó khiến cô giáo phải viết trong thư tuyệt mệnh rằng “bị chửi rất nhiều”. Một cách bản năng thôi, người ta phải bị chửi đến mức nào mới chọn cái chết uất ức nhường ấy để minh oan cho chính mình?

Ngay cả khi cả cơ quan điều ra – một tháng sau đó – còn chưa thực sự chắn chắn rằng cô có đốt tay đứa trẻ không (dù cô đã chết) thì chủ tịch công đoàn ngành đã đưa ra một ý kiến duy nhất, đưa cô ra khỏi ngành giáo dục, chỉ trong một cuộc họp cách vụ việc ấy vài ngày. Tại sao công đoàn – vốn sinh ra để bảo vệ người lao động – lại có quyền tuyên bố “xử” một đồng nghiệp như vậy?

Khi nhìn tấm ảnh người chồng cô Tuyền đứng nhìn vợ mình lịm dần đi với chất độc cô đã uống để quyên sinh, rất nhiều người hẳn đã nghĩ rằng mọi chuyện có thể và không nên tệ đến mức như thế. Đó chỉ là một sai phạm nhỏ, bất kỳ thầy giáo nào trong cả một đời nghề nghiệp của mình cũngcó thể mắc phải. Nhưng nếu nhìn suốt cả quá trình từ đầu vụ việc, người ta hiểu, cô Tuyền sẽ không bao giờ có cách nào khác để kêu oan cho chính mình, giữ lại nghề nghiệp mình yêu, nếu không tìm cách chứng minh bằng sinh mạng – thứ của cải đắt giá nhất mà cô có được.

Rồi sau khi cô mất đi, đứa trẻ bị bỏng kia liệu có hạnh phúc không, khi mỗi ngày lớn lên nó lại hiểu thêm rằng chính nó – một cách gián tiếp – đã khiến cô giáo mình phải chết? Và những đứa trẻ khác từng được hỏi có thấy cô giáo đốt tay bạn không, sẽ phải dằn vặt suốt nhiều năm, phân vân vì chính câu trả lời của mình, đã biến thành một lưỡi dao làm cô chọn cái chết.

Người cha phụ huynh kia, có ngủ yên được không, khi ôm con mình trong tay và biết có một người chồng khác đã phải ngồi bên giường bệnh nhìn vợ mình chết trong đau đớn vì một chai thuốc trừ sâu?

Và cái ngành giáo dục, phòng giáo dục, chủ tịch công đoàn giáo dục ấy liệu còn tư cách để bước lên bục giảng mỗi ngày, nói với học sinh của mình về đạo đức, nhân văn, lòng tốt, khi họ đã làm mọi thứ để tống cổ một đồng nghiệp khỏi ngành, khỏi dây dưa với tội lỗi của cô không?

Nghề giáo mang bài học đạo đức đi dạy trẻ con làm gì, trong khi sự ứng xử đơn giản và tính người nhất là biết lắng nghe và vị tha, họ cũng không chịu dành chút nào cho cô Tuyền, để cô không còn cách gì khác hơn là phải chết.

Nghề giáo nào có phải là một chiến trường, để người ta mang nhau ra đấu tố, đuổi khỏi ngành, khai trừ, dứt bỏ?

Khi nghĩ đến cô giáo Tuyền và chai thuốc trừ sâu cô uống, tôi đã nghĩ đến một bài học cực kỳ xưa cũ trong quyển “Quốc văn giáo khoa thư” viết tận đầu thế kỷ 20:

“Người mà không công bình, chẳng những có tội với lương tâm, mà luật pháp lại còn trừng trị nữa. Giết người thường phải thế mạng; trộm cắp thì phải ngồi tù, xưa nay ở đâu cũng vậy.

Còn người mà không có lòng nhân ấy thì tuy đối với luật pháp không có tội lỗi gì, nhưng đối với lương tâm thì là không phải.”

Thuở xưa ấy, người ta dạy bài học này cho con nít đồng ấu, mà ngày nay, sao người lớn làm cha làm mẹ, làm thầy, làm lãnh đạo quên mất tiêu?

Và rồi người ta cũng sẽ quên mất – có một người phải chết vì làm nghề giáo… chắc là nhanh thôi…

Khải Đơn
————
Tên bài do Tre Làng tự đặt. Thành thật xin lỗi tác giả Khải Đơn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *