GIANG TRẠCH DÂN VÀ LÍ BẰNG BỊ TRUY NÃ

Người xem: 127

Tòa án Tây Ban Nha phát lệnh bắt cựu chủ tịch Giang Trạch Dân


Một tòa án Tây Ban Nha ngày 19.11 đã tuyên lệnh bắt giữ đối với cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân và cựu Thủ tướng Lí Bằng vì những chính sách về Tây Tạng. 

Hai nhóm tự cho là ủng hộ Tây Tạng và một nhà sư có quốc tịch Tây Ban Nha đã khởi kiện các vị cựu nguyên thủ trên ra tòa án Tây Ban Nha từ năm 2006. 

Ông Giang Trạch Dân và ông Lí Bằng (ảnh trên), cùng ba quan chức cấp cao khác đã điều hành Trung Quốc trong thập niên 1980 và 1990, bị cáo buộc vi phạm nhân quyền ở khu vực Himalaya. 

Trung Quốc kiểm soát khu vực Tây Tạng từ thập niên 1950. Chính quyền nước này luôn khẳng định đã “giải phóng hòa bình” khu vực vùng núi hẻo lánh này, khi đó còn đang trong tình trạng đói nghèo và kinh tế trì trệ 

Với quyết định của tòa án Tây Ban Nha, hai vị cựu lãnh đạo và cựu quan chức Trung Quốc có thể bị bắt giữ khi họ đi tới Tây Ban Nha hay bất kỳ quốc gia nào công nhận lệnh bắt giữ của Tây Ban Nha. 


Hồi tháng trước, cũng chính tòa án này đã kết án cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào vì những chính sách bị cáo buộc là diệt chủng ở Tây Tạng. Khi đó chính phủ Trung Quốc đã phản đối hành động của tòa án Tây Ban Nha và chỉ trích điều này can thiệp vào vấn đề nội bộ Trung Quốc. 

Đối với lệnh bắt giữ mới nhất, phía Trung Quốc chưa đưa ra bình luận. 

Dù chắc chắn rằng các cựu lãnh đạo Trung Quốc sẽ không thể bị bắt hoặc xét xử ở Tây Ban Nha, nhưng sự việc gợi nhớ vụ nhà độc tài Chile, Augusto Pinochet, bị bắt tại London vào năm 1998 sau khi tòa án ở Tây Ban Nha phát lệnh bắt giữ ông. 

AFP cho biết nguyên nhân tòa án quốc gia Tây Ban Nha chấp nhận vụ kiện đối với các cựu lãnh đạo Trung Quốc vì một trong những nguyên đơn là Thubten Wangchen, một nhà sư Tây Tạng lưu vong nhưng có quốc tịch Tây Ban Nha.

Đại sứ quán Trung Quốc ở Madrid chưa đưa ra bình luận về quyết định mới nhất của tòa án Tây Ban Nha. 

Tại Trung Quốc, Reuters cho biết hiện tại mới có ý kiến phản đối từ ông Chu Duy Quần – chủ tịch Ủy ban các vấn đề dân tộc và tôn giáo thuộc Hội nghị chính trị hiệp thương Nhân dân Trung Quốc. Ông Chu cho rằng phán quyết của tòa án Tây Ban Nha là “vô lí”. 

Trước đó, Bộ ngoại giao Trung Quốc từng chỉ trích các cáo buộc của tòa án Tây Ban Nha là không đúng sự thật, bác bỏ cuộc điều tra của Tây Ban Nha vì cho rằng việc này can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc. 

Minh Anh (Theo Reuters)/Một Thế Giới/ Lão Cạo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *