Đằng sau các báo cáo được đóng gáy vàng

Người xem: 154

Đằng sau các báo cáo được đóng gáy vàng

Báo cáo của ngành nội vụ khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng, chỉ 1% số cán bộ công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình coi con số 30% “vác ô đi, vác ô về” chỉ là dư luận, tất nhiên dư luận thì không đáng tin cậy như báo cáo của ngành.

Một báo cáo đẹp và sang trọng đến mức các quốc gia có hệ thống hành chính và đội ngũ công chức chuyên nghiệp nhất cũng phải ngưỡng mộ. Có lẽ Việt Nam nên mở ngành đào tạo cán bộ công chức cho thế giới đến học tập.

Nhưng hiện thực của nền hành chính công, với những sản phẩm có chất lượng rất thấp mà cỗ máy hiện nay tạo ra cho thấy nó đi ngược lại với con số báo cáo.
Người dân, doanh nghiệp đã phải chịu đựng một bộ máy hành chính còn quá nhiều lỗi. Mà ai vận hành và hoạt động trong bộ máy đó vậy, chẳng phải là 99% con người hoàn thành nhiệm vụ đó hay sao.

Trả lời báo chí bên lề Quốc hội liên quan đến việc xả lũ của các hồ thủy điện, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải rất lạc quan: “Khi kiểm tra, tôi thấy các địa phương cũng như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều nắm vững về lượng xả lũ và điều hành của các hồ chứa. Theo tôi biết, đến nay chưa có báo cáo nào nói có hồ nào đó xả lũ sai quy trình và các địa phương có hồ chứa đều khẳng định như vậy”.

Các địa phương có hồ chứa đã soạn thảo những báo cáo đẹp tuyệt vời, có lẽ các bản báo cáo đó nên được đóng gáy vàng đưa vào bảo tàng khoa học để con cháu mai sau nghiên cứu. Tất nhiên khi làm công việc này, con cháu sẽ so sánh với thiệt hại do cơn lũ gây ra ở miền Trung với hàng chục người chết và thiệt hại tài sản rất lớn. Con cháu cũng sẽ đối chiếu với ý kiến của nhiều nhà khoa học, đại biểu Quốc hội phản biện các dự án thủy điện, thậm chí còn đòi lôi các “ông thủy điện” ra tòa. 

Và con cháu sẽ biết đâu là sự thật của các báo cáo được đóng gáy vàng.

Tháng 9.2013, Bộ Tài chính đã ra công bố con số nợ đọng đầu tư xây dựng cơ bản trên 63 địa phương hơn 91.000 tỉ đồng. Sáng 19.11, trong phiên thảo luận diễn ra tại nghị trường, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, nợ đọng xây dựng cơ bản hiện chỉ còn 43.000 tỉ đồng. Tuyệt vời, chỉ trong hai tháng, đã xử lý hơn 50% số nợ khá to này.

Nhưng kể cả con số đã thanh toán nợ đó là thật, thì nhiều doanh nghiệp đã phá sản trước khi được trả nợ. Nhiều công trình bị “chôn” vốn và chờ vốn và bị đội vốn, bị mất cơ hội đưa sản phẩm ra thương trường. 

Cho dù báo cáo giải quyết nợ đọng rất đẹp thì vẫn còn 42.000 tỉ đồng nữa phải xử lý, xin hãy nghe TS Trần Đình Thiên nói: “Đang có nhiều doanh nghiệp “chết” hoặc chờ “chết” vì không thu được món nợ này”.

Hoặc đến khi số doanh nghiệp đang hấp hối chuyển qua “tắt thở” rồi tiền nợ mới được trả? Lúc đó thì nên nhắc lại câu nói nổi tiếng của TS Bùi Kiến Thành: “Chết rồi mới đem tiền đến viếng”.

Nguồn: Lao Động

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *