Hiệp định Geneva năm 1954 về đình chiến ở Đông Dương đã cho thấy rõ vai trò tiên quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam, do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.
Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn, tại phiên khai mạc Hội nghị Geneva về Đông Dương, sáng 8/5/1954 với tư thế của một dân tộc chiến thắng. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Hội nghị Geneva đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to”. Lần đầu tiên trong lịch sử của nước Việt Nam tất cả các quyền cơ bản của Việt Nam là độc lập, dân chủ, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đã được khẳng định trong một điều ước quốc tế, được các nước tham gia hội nghị Geneva tôn trọng và công nhận. Nhân dịp kỷ niệm 70 ngày ký Hiệp định Geneva 1954, phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào Phosi Keomanivong về ý nghĩa của hiệp định, cũng như vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đánh giá về ý nghĩa, tầm vóc lịch sử của Hiệp định Geneva 1954, Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào Phosi Keomanivong khẳng định hiệp định là thành quả đấu tranh quật cường của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ chống chủ nghĩa thực dân mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Cùng với chiến thắng này, Hiệp định Geneva đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhân dân các nước bị áp bức đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc, mở đầu cho giai đoạn sụp đổ của chủ nghĩa đế quốc trên toàn thế giới. Đây cũng là kết quả của đường lối lãnh đạo đúng đắn, đường lối kháng chiến, đường lối đối ngoại dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đây là hiệp ước buộc thực dân đầu hàng chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam-Lào-Campuchia. Ông nhấn mạnh việc ký kết Hiệp định Geneva không chỉ là dấu mốc lịch sử của Việt Nam mà còn mang ý nghĩa thời đại bởi đây là thắng lợi toàn diện của 3 nước Đông Dương và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Thứ trưởng Phosi Keomanivong nhấn mạnh sau khi chiến tranh chống thực dân kiểu cũ ở Đông Dương kết thúc, Việt Nam-Lào-Campuchia lại tiếp tục thực hiện đấu tranh cách mạng chống lại chủ nghĩa thực dân kiểu mới, có vũ khí hiện đại hơn. Nhiệm vụ đấu tranh cứu quốc trong giai đoạn này cũng đầy ác liệt nhưng vẫn sáng lên tinh thần hy sinh cao cả của quân và dân Việt Nam cũng như Lào và Campuchia dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào do Chủ tịch Kaysone Phomvihane lãnh đạo cùng với các nhà lãnh đạo của Mặt trận Lào Itxala và ở Campuchia có Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia. Thành công này là sự kế thừa những truyền thống trong chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Geneva, giúp cho phong trào đấu tranh chống thực dân tiếp tục giành được chiến thắng, giải phóng đất nước. Việt Nam hoàn toàn thống nhất và cũng trong năm 1975, Lào và Campuchia đã hoàn toàn giải phóng đất nước.
Thứ trưởng Phosi Keomanivong khẳng định Hiệp định Geneva cho thấy rõ vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, đã rất sáng suốt trong việc chỉ đạo đường lối kháng chiến lâu dài, toàn diện, sáng tạo, tăng cường sức mạnh đoàn kết trong và ngoài nước dựa trên nội lực là chủ yếu để giành được sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để thực hiện sứ mệnh cứu quốc chống đế quốc xâm lược giành độc lập cho 3 nước Đông Dương. Bài học lịch sử vô cùng quan trọng này càng cho thấy việc thực hiện chính sách ngoại giao cũng như đường lối ngoại giao cách mạng đúng đắn khi đó. Các đoàn đàm phán Việt Nam, Lào, Campuchia đã cùng nhau nỗ lực huy động các lực lượng yêu chuộng hòa bình cũng như đàm phán với lãnh đạo nhiều nước để được công nhận và đảm bảo hòa bình, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Đông Dương, chấm dứt ách thống trị thuộc địa cũ ở Đông Dương.
Quan chức Lào khẳng định Hiệp định Geneva năm 1954 đã chứng minh đường lối đấu tranh sáng suốt, tài tình, tinh thần hy sinh và đoàn kết bên trong và bên ngoài của lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương và lãnh đạo đảng của 3 nước. Từ đàm phán đến ký kết, Hiệp định Geneva đã trở thành bài học quan trọng về phối hợp quân sự, chính trị và ngoại giao vững mạnh trong trận chiến và đây là yếu tố quyết định sự thành công của đàm phán.
Nguồn: Xuân Tú – Bá Thành (TTXVN)
Tin cùng chuyên mục:
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố
Ukraine nói điều đáng sợ về tên lửa mới của Nga
Trừng phạt Nga hay cuộc ‘chiến tranh kinh tế’ tổng lực của phương Tây trên khắp thế giới