Trong thời gian qua, Ukraine đã tăng cường kêu gọi phương Tây cung cấp các khẩu đội tên lửa Patriot và hệ thống phòng không hiện đại khác cho Kiev để đối phó với các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này.
Hôm 12/12, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal tiếp tục kêu gọi phương Tây cung cấp hệ thống tên lửa phòng không Patriot do Mỹ chế tạo. Trước đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cũng đã thúc giục Mỹ chuyển giao “lá chắn thép” Patriot cho Ukraine. Giới chức nước này nhấn mạnh hệ thống phòng không như Patriot là một trong những khí tài mà Kiev cần nhất lúc này để đối phó các cuộc tập kích quy mô lớn của Moskva.
Tuy nhiên, cho đến nay, Washington vẫn chưa phát tín hiệu sẽ đồng ý cung cấp các hệ thống phòng không tinh vi này cho Kiev. Theo tờ Politico, bất kỳ quyết định nào liên quan đến việc gửi các hệ thống Patriot cho Ukraine đều yêu cầu Lầu Năm góc phải có các kế hoạch dự phòng, đồng thời vẫn phải đảm bảo khả năng phòng thủ tối thiểu cho các lực lượng Mỹ đang được triển khai ở nhiều khu vực khác nhau.
Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Joe Biden hôm 12/12, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi Washington hỗ trợ Kiev nhiều hơn trong việc bảo vệ mạng lưới năng lượng đang bị tàn phá của đất nước. Tuy nhiên, ông không nêu rõ loại vũ khí mà nước này đang cần. Theo nhà lãnh đạo Ukraine, các cuộc không kích của Nga kể từ tháng 10 đã phá hủy 50% mạng lưới điện của đất nước.
“Tổng thống Zelensky nhấn mạnh tầm quan trọng của các hệ thống phòng không. Ông cũng kêu gọi người đồng cấp Biden làm mọi thứ có thể để bảo vệ dân thường Ukraine và cơ sở hạ tầng quan trọng của nước này,” truyền thông Ukraine cho biết nội dung cuộc điện đàm.
Song, dù đã chấp thuận gửi hệ thống tên lửa phóng loạt HIMARS trong gói viện trợ quân sự bổ sung trị giá 275 triệu USD cho Ukraine, nhưng không có dấu hiệu cho thấy Lầu Năm góc đồng ý gửi Patriot – loại tên lửa nổi tiếng với khả năng tiêu diệt tên lửa Scud của Iraq trong cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ 1 – cho Ukraine.
Ở diễn biến khác, nỗ lực thuyết phục Đức cung cấp khẩu đội Patriot từ Ba Lan cũng đã bị Berlin từ chối. Berlin cho biết họ không thể tự quyết định số phận của các hệ thống tên lửa do Mỹ sản xuất “vì chúng là một phần của hệ thống phòng thủ tập thể NATO”.
Quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Đức Tobias Lindner giải thích: “Tên lửa Patriot là một phần trong hệ thống phòng thủ tập thể của NATO. Vì vậy, Berlin không thể dễ dàng chuyển giao cho bên thứ ba như Ukraine. Thay vào đó, Đức đề nghị tăng cường an ninh cho Ba Lan bằng cách gửi các hệ thống phòng không đến biên giới phía Đông của NATO”.
Vào chiều ngày 12/12, trong cuộc họp trực tuyến của các nhà lãnh đạo G7, ông Zelensky nói rằng Nga đang có lợi thế về pháo binh và tên lửa, kêu gọi phương Tây cung cấp xe tăng hiện đại, tên lửa tầm xa cho Ukraine. Trong tuyên bố sau cuộc họp, dù các nhà lãnh đạo G7 đồng ý cần tập trung ngay lập tức vào việc cung cấp cho Ukraine các hệ thống và khả năng phòng không, thì Đức – nước giữ chức Chủ tịch G7 – cho biết việc chuyển giao loại vũ khí cụ thể cho Ukraine không nằm trong chương trình nghị sự.
Tại Anh, cựu Thủ tướng Boris Johnson đã kêu gọi Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace trang bị cho Ukraine các tên lửa chiến thuật lục quân ATACMS để “hạ gục” các bãi phóng máy bay không người lái và tên lửa của Nga.
Ukraine từ lâu đã mong mỏi có được loại tên lửa có tầm bắn lên tới 300km này, nhưng cho đến nay Mỹ và các đồng minh, bao gồm cả Anh, đã từ chối cung cấp chúng vì lo ngại chúng có thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga. Ông Johnson cho biết việc cung cấp chúng sẽ giúp “kết thúc cuộc chiến càng sớm càng tốt”.
Song ông Wallace nói rằng việc Nga tiếp tục nhắm mục tiêu vào hệ thống năng lượng của Ukraine có thể thúc đẩy nước này thay đổi chính sách: “Nếu người Nga tiếp tục nhắm mục tiêu vào các khu vực dân sự và cố gắng phá vỡ các công ước Geneva đó, thì tôi sẽ xem xét nên làm gì tiếp theo.”
Patriot là hệ thống tên lửa phòng không tầm xa đa năng, có khả năng tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết. Nó có khả năng đánh chặn nhiều mục tiêu từ trên không, bao gồm máy bay chiến đấu, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, với tốc độ lúc tấn công mục tiêu của tên lửa lên đến Mach 5, tương đương 6.125 km/h. Hệ thống này có thể nhận biết hơn 100 mục tiêu khác nhau cùng một lúc và theo sát tối đa 8 mục tiêu liên tục.
Hệ thống tên lửa Patriot gồm 4 tổ hợp: hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống chỉ huy điều khiển, radar cảnh giới, hệ thống dẫn đường. Bốn thành phần này được tích hợp, tạo nên một hệ thống có tính cơ động rất cao.
Hải Vân/Báo Tin tức (Theo The Guardian)
Tin cùng chuyên mục:
Những người thầy ươm dưỡng tương lai
Vụ tai nạn thương tâm từ máy bay không người lái: Hồi chuông cảnh báo về an toàn công nghệ
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện