Cuteo@
Sáng ra đã thấy anh Đào Tuấn mỉa mai về chuyện tổ chức “Hội nghị lấy ý kiến tham gia của trẻ em vào Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, tổ chức tại trường THCS Lương Yên, Hà Nội”, khơi mào cho những anh chị thiếu thiện chí vào bình luận, kiểu như: “Trẻ em thì biết gì mà lấy ý kiến”, hoặc “mị dân”, hay “lấy ý kiến cho có”…
Với giọng điệu mỉa mai như thường thấy, anh Đào Tuấn dẫn Báo Kinh tế đô thị: “Các học sinh cũng mạnh dạn trao đổi, bày tỏ về các quan điểm, ý kiến của mình liên quan Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); đồng thời chia sẻ, các em cảm thấy vui, phấn khởi…” để rồi đá đểu rằng, “Đây là bằng chứng lịch sử và thực tế không thể chối cãi về sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân từ nam phụ lão ấu vào một trong dự án luật quan trọng nhất trong hệ thống pháp luật”.
Anh Đào Tuấn cũng không quên ám chỉ việc lấy ý kiến các em học sinh phổ thông vào dự luật này là để tạo ra luận cứ kiểu như “Ngọc Chinh cạp đất” nhằm thay đổi nhận thức của người trẻ….
Trước tiên phải nói rằng, trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có quy định về phần thừa kế có liên quan đến nhóm đối tượng là trẻ em. Đây là nhóm được coi là yếu thế trong xã hội mà bất kể những ai có lương tâm, vì công bằng xã hội đều phải quan tâm bảo vệ. Vì thế, dù biết rằng các em còn nhỏ, hiểu biết còn hạn chế, nhưng để bảo vệ quyền lợi của các em, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã tổ chức lấy ý kiến trẻ em về một số nội dung liên quan theo quy định.
Giả sử không lấy ý kiến của trẻ em, chắc chắn sẽ gặp phải những ý kiến trái chiều, kiểu như, “Trẻ em không phải là người hay sao?”, “Tại sao không lấy ý kiến các em, hay các em không có quyền”, thậm chí gay gắt hơn sẽ có người nói rằng, các nhà lập pháp đã “bịt miệng” các em, trong khi các em là người có quyền lợi liên quan.
Tìm hiểu vụ việc được biết, trước khi tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các em học sinh tại trường THCS Lương Yên, ban tổ chức đã tạo điều kiện cho các học sinh tìm hiểu về các quy định của pháp luật về đất đai.
Theo đó, những vấn đề lớn liên quan đến các em như: “khi nhà nước thu hồi đất cần đảm bảo những điều kiện thế nào cho trẻ em”; “các đối tượng nào cần được hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất”; “nếu em là người được đứng tên trên sổ đỏ, em có đồng ý để bố và mẹ hoặc người giám hộ cùng đứng tên trên sổ đỏ để giúp em trong quá trình mua bán các tài sản này hay không”; hay gần gũi hơn là “khi xây dựng chính sách pháp luật về đất đai có liên quan đến trẻ em và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có liên quan tới trẻ em, các cơ quan nhà nước có cần các em tham gia ý kiến hay không”… đều đã được phổ biến để các em có thể trao đổi với phụ huynh và nếu muốn các em có thể trao đổi với thầy cô giáo và bạn bè trước khi phát biểu tại Hội nghị.
Trên thực tế, pháp luật về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định trẻ em có quyền tài sản riêng là bất động sản và việc định đoạt tài sản là quyền sử dụng đất của trẻ em phải có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật. Chính vì thế, không thể không lấy ý kiến các em về vấn đề này.
Theo quy định của pháp luật, khi xây dựng pháp luật, nếu như nội dung văn bản pháp luật có đối tượng tác động là trẻ em, thì phải lấy ý kiến. Đây là quy trình bắt buộc phải thực hiện. Luật Trẻ em, Thông tư 36/2018/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện lấy ý kiến trẻ em trong quá trình xây dựng chương trình, chính sách, văn bản pháp luật, quy định, quyết định, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội liên quan đến trẻ em. Anh Đào Tuấn nên nhớ cho, Thông tư 36 (đọc ở đây) chính là việc cụ thể hóa Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam tham gia.
Tại Hội nghị lấy ý kiến tham gia của trẻ em vào Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, tổ chức tại trường THCS Lương Yên vừa rồi, ban tổ chức lấy ý kiến trẻ em, nhưng có đại diện phụ huynh, nhà trường và Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tham dự theo đúng quy định. Điều đó cho thấy việc lấy ý kiến là thực tế mà không phải là hình thức như luận cứ “cạp đất” của Ngọc Chính đâu, thưa anh Đào Tuấn.
Được biết, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi gồm 16 chương, 236 điều được đưa ra lấy ý kiến nhân dân từ ngày 3/1/2023 kéo dài cho đến ngày 15/3/2023. Để các quy định trong luật đảm bảo được tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em thì cần thiết phải lấy ý kiến rộng rãi của toàn xã hội, các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội; các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, các tổ chức kinh tế; các viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia, nhà khoa học, đặc biệt là phải lấy ý kiến của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam và ý kiến của chính các em.
Cá nhân tôi cho rằng, tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia của trẻ em vào Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi rất hữu ích, bởi nó không chỉ là quy trình xây dựng luật mà còn giúp nâng cao nhận thức pháp luật về đất đai cho cả học sinh, giáo viên và ngay cả các phụ huynh.
Tin cùng chuyên mục:
Những người thầy ươm dưỡng tương lai
Vụ tai nạn thương tâm từ máy bay không người lái: Hồi chuông cảnh báo về an toàn công nghệ
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện