VÁN BÀI TRONG PHIM VÀ CANH BẠC CUỘC ĐỜI

Người xem: 163

– Nghệ sĩ điện ảnh Nguyễn Chánh Tín đã phát biểu nhiều câu với báo giới cho thấy ông quá khốn khổ, rất cần một sự cứu giúp, ít nhất là được ở lại trong căn nhà mà vợ chồng ông đã gây dựng. Ông chưa thể ra đi, vì chưa có chỗ ở khác và vì quá nuối tiếc căn nhà này.

Những phát ngôn của ông đầy sự than thở về số phận, cho thấy ông thiếu bản lĩnh để đối diện với cuộc sống thực tế. Nguyễn Chánh Tín là diễn viên điện ảnh bước chân ra thương trường. Ông có tham vọng làm giàu, nhưng làm giàu không dễ và tất nhiên, để trở thành đại gia sánh ngang hàng với các tên tuổi khác trên thương trường càng khó hơn.

Nguyễn Chánh Tín có danh, có lợi từ tài năng của một ca sĩ, diễn viên, nhưng ông không dừng lại với nghề ca hát hay diễn viên, ông muốn bước vào thương trường.Và ông đã thất bại như hàng trăm, hàng ngàn doanh nhân khác. Ông chỉ có khác họ là than vãn về rủi ro của mình, chua xót về sự mất nhà của mình.

Ông quên một điều, ông còn quá may mắn, vì có rất nhiều người thất bại trong kinh doanh, mất hết tài sản, còn lâm vào cảnh tù tội. Nhưng họ đã im lặng chịu đựng, họ chấp nhận mình là người bất tài, vô năng trong lĩnh vực kinh doanh. Có người “gác kiếm”, có người âm thầm chuẩn bị “tái xuất giang hồ” khi có cơ hội tốt. Xưa nay, ít có ai khóc than thân phận vì kinh doanh thất bại. Nếu có, cũng chỉ khóc với chính mình.

Bởi một lẽ, anh kinh doanh thành công, giàu sang phú quý thì anh hưởng, ngược lại nếu thua lỗ thì anh chịu. Chẳng lẽ khi thất bại, anh lại ồn ào như cả xã hội phải có trách nhiệm chia sẻ với mình. Cuộc đời không phải là màn ảnh. Những tính toán cơ mưu trong “Ván bài lật ngửa” dù cao diệu đến mấy cũng chỉ là ván bài trong phim, còn canh bạc cuộc đời khắc nghiệt hơn nhiều, sơ sẩy là tay trắng.

Trước Nguyễn Chánh Tín có một số nghệ sĩ từng thử bước chân vào thương trường và gặp thất bại. Người càng nổi tiếng thì những câu chuyện liên quan đến họ dù hay, dù dở đều được công chúng quan tâm. Trường hợp chị Siu thì ca sĩ Phương Thanh đứng ra bảo lãnh với các chủ nợ, còn Nguyễn Chánh Tín thì nghệ sĩ Chí Trung vận động giúp đỡ. Sẽ có những người hâm mộ sẵn lòng bỏ ra ít tiền, nhưng rồi mọi sự sẽ đi vào lãng quên như cái tin giật gân trên báo chỉ sống được dăm bữa, đôi khi nửa ngày. Khi đó, chỉ còn lại một thứ là nợ nần và các hậu quả mà chủ nhân tạo ra nó phải tự giải quyết, cuộc đời trần trụi khác xa với sân khấu và ánh đèn.

Cha ông nói nhiều câu thật sâu xa, qua câu chuyện của Nguyễn Chánh Tín và một số nghệ sĩ thất bại trên thương trường vừa qua, chợt nghĩ cần ghi lại câu: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” để cùng ngẫm.

Lê Chân Nhân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *