KHÔNG PHẠM LUẬT, LO GÌ BỊ BẮT?

Người xem: 138

Ong Bắp Cày

Đọc bài “Những con cừu lẻ loi dễ bị ăn thịt hơn” đăng trên trang Việt Nam Thời Báo thuộc nhóm Phạm Chí Dũng (còn một Việt Nam Thời Báo khác của nhóm Ngô Nhật Đăng), chị có vài ý chia sẻ cùng bạn đọc.

Bài đề ở trên là của Phạm Chí Dũng, nhưng dưới lại đề là Người Việt. Vậy, bài báo đó là của ai? Thực ra, đọc giọng văn, và tra cứu trên mạng, ai cũng biết rõ, tác giả là Phạm Chí Dũng.

Xuyên suốt nội dung của bài báo, Phạm Chí Dũng đưa ra thông điệp tới các blogger “bất đồng chính kiến” hoặc “phản biện” rằng, không nên đứng “độc lập” như Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Trương Duy Nhất, Lê Hồng Thọ, hay Nguyễn Quang Lập, bởi vì đứng “độc lập” sẽ bị bắt.

Có thể đọc bài ở facebook của Phạm Chí Dũng ở đây:

https://www.facebook.com/pham.chidung.96#

Giải thích cho các lý do các blogger đã bị bắt, Phạm Chí Dũng không hề đề cập đến những người này có hoạt động vi phạm pháp luật mà đổ tội cho họ là không chịu đứng vào hàng ngũ của những “hội nhóm xã hội dân sự“. Hoàn cảnh ấy được ví von như con cừu đi lạc và dễ dàng bị tóm. Đây cũng là một lời kêu gọi cho việc củng cố địa vị của cái gọi là “xã hội dân sự” ở Việt Nam.


Phạm Chí Dũng dẫn chứng 2 trường hợp; “Trừ hai blogger Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào bị bắt trong bối cảnh chưa thực sự hình thành các tổ chức dân sự độc lập, những blogger bị bắt sau này đều phải chịu nạn khi không đứng chân trong một tổ chức dân sự nào.“. Và viết tiếp: “Đó cũng là lý do để cho rằng những trí thức có tính cách phản biện như các ông Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Hồng Lê Thọ và Nguyễn Quang Lập có thể đã sai lầm khi chọn cho mình vị trí phần nào độc lập với các tổ chức dân sự, trong khi xã hội dân sự ở Việt Nam đang bắt đầu hình thành tính kết nối và bảo bọc lẫn nhau. Xa rời hoặc tách rời tập thể, tính rủi ro đối với người hoạt động độc lập sẽ cao hơn, thậm chí cao hơn hẳn. Một chứng minh rõ ràng cho quy luật này là kể từ giữa năm 2013 đến nay, chưa một trí thức phản biện có chân trong tổ chức hội đoàn dân sự nào bị bắt.”.

Người viết cho rằng, những lập luận kiểu đó là không thuyết phục. Trước hết, và chủ yếu, lý do để các blogger bị bắt không phải họ đứng trong hay ngoài các tổ chức, các hội đoàn của “xã hội dân sự“, mà cái chính là vì họ có hoạt động vi phạm pháp luật. 


Pháp luật Việt Nam không bắt ai nếu họ không vi phạm luật pháp, cho dù họ đứng trong bất kể tổ chức nào, kể cả các tổ chức đảng. 


Ông tướng Năm Huy, nguyên là cán bộ công an, là đảng viên và ông ta vẫn bị bắt trong vụ Nam Cam; ông Dương Chí Dũng, Dương Tự Trọng, Nguyễn Đức Kiên.v.v..dù đứng trong hàng ngũ của đảng cộng sản, nhưng họ vẫn bị bắt vì có hoạt động xâm hại tới các khách thể mà luật Hình bảo vệ. Ngay cả những người có hoạt động phạm pháp nhưng núp bóng tôn giáo cũng không thoát, có thể kể đến trường hợp của Lê Quốc Quân, Nguyễn Văn Lý.v.v..


Nói như thế để thấy, những người bị bắt, không phải là họ đang ở trong tổ chức nào, mà chủ yếu là ở họ có hoạt động vi phạm pháp luật. 


Mặt khác, lập luận của Phạm Chí Dũng cũng không thuyết phục ở chỗ, các tổ chức “xã hội dân sự” kể tên trong bài viết như: “mạng lưới blogger Việt Nam, sau đó là diễn đàn xã hội dân sự, tiếp theo đó là hàng loạt tổ chức dân sự độc lập khác như Phụ Nữ Nhân Quyền, Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm, Văn Đoàn Độc Lập, Hội Nhà Báo Độc Lập…” ở Việt Nam, cho tới thời điểm này vẫn chỉ là những tổ chức bất hợp pháp. Chính vì tính bất hợp pháp của nó, mà những thành viên tham gia có thể sẽ phải chịu “rủi ro” nhiều hơn theo cách nói của tác giả. 


Về phương diện pháp lý, rõ ràng các tổ chức này là bất hợp pháp trên cả 2 phương diện: (1) thành lập không xin phép trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam (Hãy tưởng tượng bạn lập 1 tổ chức, mặc dù phù hợp với luật pháp quốc tế, nhưng lại không phù hợp với luật pháp Hoa Kỳ thì hậu quả sẽ ra sao?); (2) hoạt động của nó một mặt không đem lại lợi ích nào cho đất nước, mặt khác lại có những hành vi chống đối, khiêu khích, làm tổn hại tới sự vững mạnh của chính quyền. Vì thế chính quyền có thể ra tay bất cứ lúc nào. 

Trên phương diện xã hội, trong mắt người dân tỉnh táo, những tổ chức trên chỉ là những tổ chức quấy rối xã hội bằng những chiêu trò như biểu tình, tụ tập gây rối, xuyên tạc, ăn vạ, vu cáo. Vì thế, nó không được đại đa số người dân chấp nhận. Thực tế đã có ngày càng nhiều hơn những người dân tự nguyện đứng ra ngăn chặn những hoạt động cảu những “hội nhóm” này.

Từ một góc nhìn khác, lâu nay người dân phải chứng kiến những thành viên của các tổ chức “xã hội dân sự” là những người không đáng tin tưởng. Kẻ thì có quá khứ bất hảo, trốn thuế, người thì đã từng chăn dắt gái mại dâm, số khác thì móc nối với các tổ chức chống cộng cực đoan ở nước ngoài để phá hoại đất nước. Có thể kể đến Bùi Minh Hằng, Trần Thị Nga, Lê Quốc Quân, Trần Huỳnh Duy Thức….Với thảm trạng đó, một người như Nguyễn Quang Lập hay Hồng Lê Thọ sẽ không bao giờ chấp nhận chung một rọ.


Từ sự phân tích trên, có thể thấy, việc các blogger kể trên bị bắt không xuất phát từ nguyên nhân không đứng trong một tổ chức nào cả.


Một thông điệp khác của bài viết là ám chỉ đến những blogger bị bắt thời gian qua là xuất phát từ các phe phái thân Mỹ hoặc Trung Quốc trong nội bộ đấu tranh với nhau hoặc vì lý do “xúc phạm” ngành công an. Ý kiến này cũng hàm hồ không kém. Nó hàm hồ vì tác giả chỉ biết nói mà không biết chứng minh. Không mảy may có lấy một minh chứng nào để chứng minh cho luận điểm của mình.


Để lấp liếm cho những non nớt của mình khi viết bài, Phạm Chí Dũng chọn cách lái câu chuyện sang hướng mô tả mối quan hệ tay 3 giữa Việt Nam, Hoa Kỳ và Trung Quốc và không quên nói rằng, những blogger bị mắt chỉ vì đấu tranh chống Trung Quốc xâm lược.


Theo người viết entry này, thủ pháp đó không mang lại hiệu ứng tích cực cho bài báo, trái lại nó làm người đọc khó chịu. Hãy nhớ lại, vào thời kỳ giàn khoan HD981 của Trung Quốc đặt trong vùng biển Việt Nam, cả nước đã đồng lòng đấu tranh bằng mọi hình thức. Đã có những cuộc biểu tình, đã có đấu tranh ngoại giao, đã có người viết thư ngỏ gửi Tập Cận Bình, và đưa tàu kiểm ngư ra ngăn cản, nhưng thử hỏi, những người chọn con đường đấu tranh trực diện, thậm chí nguy hiểm như thế, đã có ai bị bắt đâu? 


Thực tế có hàng trăm hàng ngàn bài viết của các blogger trong nước viết bài phản đối Trung Quốc xâm lược, nhưng không có ai bị bắt vì chống Trung Quốc xâm lược biển đảo cả.


Vì thế, Phạm Chí Dũng cho rằng các blogger bị bắt “chỉ vì chống Trung Quốc” như luận điệu của BBC, RFI, RFA, và cả những người mang danh “Phản biện“, “dân chủ” trong nước thường rêu rao là hoàn toàn sai lầm.


Sự thật là họ bị bắt vì vi phạm pháp luật. Họ mang biểu ngữ, băng rôn, và hô hào chống Trung Quốc, nhưng thực chất là họ chống chính quyền, họ muốn lật đổ chế độ!


Phân tích ngược xuôi bằng cách “cả vú lấp miệng em” để cố chứng minh các blogger độc lập “bị bắt vì chống Trung Quốc“, cuối cùng Phạm Chí Dũng cũng không thể che dấu mục đích kêu gọi những blogger khác hãy tham gia một tổ chức thuộc “xã hội dân sự” nào đó, coi đó như tấm bùa hộ mệnh để tránh “xếp hàng chờ bị bắt” như cách nói của tác giả. Bản chất của vấn đề là thông qua những hiệu triệu này để làm vững mạnh thêm các tổ chức bất hợp pháp mang danh “xã hội dân sự” để làm đối trọng với đảng cộng sản, mà ở đó Dũng sẽ có vai trò thủ lĩnh chính trị. Đó đích thị là một âm mưu sử dụng cách mạng mềm để lật đổ chế độ.

Thực sự thì những lời khuyên của Phạm Chí Dũng là thừa bởi cái gọi là các tổ chức “xã hội dân sự” như kể trên là bất hợp pháp, hoàn toàn không đáng tin và nó sẽ bị xóa sổ khi cần thiết.


Mặt khác, lý do chính để không bị bắt không nằm ở chỗ họ có tham gia hay không tham gia tổ chức nào, mà nằm ở chỗ họ có hoạt động vi phạm pháp luật hay không. Điều này, mỗi blogger cần cân nhắc trước khi đi đến quyết định cuối cùng.


Thực tế là, nêu không vi phạm pháp luật, thì không lo bị bắt!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *