TRAO QUYỀN VÀ LẠM QUYỀN

Người xem: 172

Trao quyền và lạm quyền

(ĐTCK) Cuối tuần vừa qua, lãnh đạo nhiều nước châu Âu có thêm một chủ đề tranh luận mới đó là trao thêm quyền cho các cơ quan mật vụ. Đây là hệ quả sau vụ khủng bố cực đoan tại tòa soạn Charlie Hebdo (Pháp) trước đó.

Nói là tranh luận là bởi, việc tăng quyền hạn cho các cơ quan tình báo là thực tế đặt ra để tăng khả năng phòng ngừa và chống khủng bố. Nhưng ở chiều ngược lại, một câu hỏi không dễ trả lời là việc tăng quyền đó liệu có vi phạm các quyền riêng tư được quy định trong luật tại các nước ngày hay không, ai sẽ đảm bảo là cơ quan tình báo không lạm quyền khi quyền lực được mở rộng hơn?

Còn tại Việt Nam, có một câu chuyện cũng rất đáng quan tâm đầu tuần này đó là việc Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Võ Duy Khương ký văn bản chuyển vụ vi phạm về quản lý đất đai, lạm quyền của ông Nguyễn Ngôn, nguyên Trưởng ban quản lý các dự án tái định cư TP. Đà Nẵng, hiện là Phó Chánh văn phòng Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng sang cơ quan cảnh sát điều tra.

Theo các nguồn tin được dẫn thì ông Nguyễn Ngôn, với vị trí công tác của mình đã “tự tung tự tác”, cấp đất vượt thẩm quyền, sai đối tượng 41 lô đất tái định cư. Trong đó, tự cấp cho vợ mình 2 lô đất ở vị trí đắc địa, trị giá cả chục tỷ đồng.

Câu chuyện thứ ba gần gũi với các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam hơn cũng được mở ra đầu tuần này đó là việc tăng thẩm quyền cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK).

Nội dung được chú ý nhiều nhất đó là UBCK đã đề xuất Bộ Tài chính kiến nghị các cơ quan chức năng trao thẩm quyền điều tra ban đầu cho UBCK. Cơ quan này sẽ có quyền triệu tập và thu thập thông tin từ các đối tượng nghi vấn, người làm chứng, người bị hại; sao kê điện thoại; truy xuất tài khoản ngân hàng của các đối tượng… (không bao gồm thẩm quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can). 

Lý do được đưa ra thì không hề ít, chuyện nghiêm trọng như việc thao túng làm giá trên thị trường ngày càng tinh vi, đòi hỏi cơ quan quản lý phải có quyền nhiều hơn để phòng chống. Rồi chuyện quan trọng là yêu cầu về hội nhập khi tham gia Hiệp hội Các UBCK quốc tế (IOSCO) là UBCK phải độc lập, phải có thẩm quyền điều tra, quyền yêu cầu cung cấp thông tin với các đối tượng, cơ quan liên quan khi phát hiện có dấu hiệu sai phạm…

Bỏ qua việc so sánh với UBCK Lào có quyền điều tra, UBCK Campuchia được quyền dùng súng, tạm giam 24h, điều tra dân sự…, bỏ qua cả chuyện UBCK phải độc lập như thế nào, nhưng với nhiều việc trọng như vậy, kiến nghị trên của UBCK dễ nhận được sự cảm thông.

Theo quy định hiện hành, trong hoạt động điều tra, ngoài lực lượng công an, cơ quan điều tra trong Quân đội, của Viện Kiểm sát thì còn nhiều cơ quan khác cũng được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như Hải quan, Kiểm lâm… Vì vậy, việc thêm một cơ quan có quyền điều tra ban đầu như UBCK cũng không phải là vấn đề có tính “ngoại lệ”.

Vấn đề ở đây là giao quyền một cách hợp lý. Không to tát như câu chuyện cơ quan tình báo tại các nước châu Âu, có lẽ cũng không giống như vụ việc lạm quyền tại Đà Nẵng, nhưng câu hỏi thì khá giống, đó là: Thế nào là hợp lý và cơ quan nào giám sát sự hợp lý đó?

Người quan sát

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *