Gần đây trên cả nước liên tục xảy ra những vụ án đau lòng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc người dân có cảm giác vô cùng bất an, cảm giác xã hội như đang “dày” lên tội ác có lỗi từ truyền thông.
Liệu xã hội chúng ta có đang ở tình trạng báo động thực sự như những gì bạn đọc thấy trên mặt báo hay nó đúng là lỗi của truyền thông khi đang có cách khai thác những thông tin án mạng chưa thực sự nhân văn? Infonet đã tiến hành cuộc trao đổi nhỏ với một vài nhà báo, để nghe những chia sẻ, những tâm sự của họ khi từng phải lao vào khai thác về những vấn đề này.
Chia sẻ với báo Điện tử Infonet, Nhà báo Mai Phan Lợi – Trưởng Văn phòng đại diện báo Pháp luật TP.HCM tại Hà Nôi, admin của diễn đàn Nhà báo trẻ cho biết, không chỉ là khảo sát trên diễn đàn nhà báo trẻ mà các nghiên cứu xã hội học đều thừa nhận có sự ảnh hưởng liên quan giữa truyền thông và các hành vi tội phạm.
Nhà báo Mai Phan Lợi
Nhà báo Mai Phan Lợi cho rằng: “Báo chí có chức năng định hướng, giáo dục nhưng khi mô tả về bạo lực, mô tả tỉ mỉ khác nào hướng dẫn thực hành, việc giật tít mang tính cổ vũ sẽ tác động tới người đọc. Nhiều đối tượng cho rằng khi thực hiện những hành động độc ác, li kỳ như thế dễ nổi tiếng. Điều đáng chú ý là những thủ phạm trong vụ thảm sát gần đây chưa có tiền án, tiền sự.”
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn có lần phát biểu rằng, khi Lê Văn Luyện khi ra toà còn được một số người tham dự vẫy chào như một anh hùng. Nhiều người làm thơ, minh hoạ, nhạc chế về Lê Văn Luyện lan tràn trên mạng và biệt danh của anh ta trở thành câu cửa miệng của một số người trẻ. Đó là những hành vi lệch chuẩn, phản ứng phụ của truyền thông.
Nhiều người đặt cao vai trò đạo đức của cá nhân của phóng viên trong việc tác nghiệp hiện trường vụ án, nhà báo Mai Phan Lợi cho rằng, đạo đức trong vấn đề này cũng hết sức trừu tượng. Vì các phóng viên chịu phải áp lực với toà soạn, toà soạn áp lực với độ nhanh nhạy cạnh tranh thông tin độc, lạ, với lượng truy cập cao, cũng như việc lên hạng, được tìm kiếm trên Google. Nó trở thành một chuỗi mắt xích các áp lực mà đôi khi đạo đức cũng khó lòng len lỏi vào được.
“Đạo đức trở nên mâu thuẫn với những áp lực làm báo trong thời buổi cạnh tranh thông tin có phần khốc liệt hiện nay. Phóng viên có thể từ chối đề tài nhưng lại ảnh hưởng đến đời sống cơm áo gạo tiền vì làm nghề ngoài đam mê, lý tưởng còn là sự mưu sinh nuôi sống bản thân và gia đình. Nếu anh từ chối 1 lần, 2 lần thì lần sau toà soạn sẽ cử người khác. Và thậm chí nếu anh né tránh nhiều, thiếu định mức thì có thể anh sẽ phải chấm dứt hợp đồng, mất việc. Liệu phóng viên có chấp nhận được điều đó không?” – Nhà báo Mai Phan Lợi cho biết.
Nhà báo Mai Phan Lợi chia sẻ: Đạo đức, trách nhiệm và sự cạnh tranh thật nghiệt ngã với những người cầm bút hiện nay. Nhà báo cũng mệt mỏi bởi những áp lực này nhưng bạn đọc hiện nay cũng nhiều người hiếu kỳ. Để chiều lòng độc giả nhưng vẫn giữ được sự thanh thản là cả một công cuộc giằng xé đầy nghiệt ngã của người làm báo. Một số toà soạn muốn giữ được sự tử tế của mình thì sợ lại mất bạn đọc, mất sự cạnh tranh trên thị trường thông tin.
Mặc dù Nghị định 51 của Thủ tướng Chính phủ Quy định chi tiết thi hành luật báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều trong Luật Báo chí đã quy định không được miêu tả tỉ mỉ những hành động dâm ô, chém giết rùng rợn trong các tin, bài, hình ảnh về các vụ án và hành động tội ác nhưng báo chí vẫn mắc phải những sai lầm này mà chưa bị xử phạt thoả đáng.
“Ở nước ngoài, nghi can ra toà họ không cho chụp ảnh, đưa tin hoặc khi đưa tin họ chỉ sử dụng hình vẽ chứ không sử dụng ảnh thật để bảo vệ con người. Khi báo chí đưa tin về vụ án, toà án họ phải để xã hội quên đi mới đưa ra xét xử để không bị ảnh hưởng bởi dư luận. Còn chúng ta, nhà báo đôi khi lại làm thay công việc của toà án.” – Nhà báo Mai Phan Lợi chia sẻ.
Theo nhà báo Mai Phan Lợi, muốn thay đổi việc đưa tin về các vụ án, thảm sát hiện nay phải có sự chỉ đạo và thái độ mạnh mẽ từ các cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó cũng cần có những cú híc như sự khởi kiện từ những người bị ảnh hưởng bởi báo chí thì may ra mới thay đổi được.
Còn nhà báo Thu Trang – một PV năng nổ của báo Phụ nữ Tp. Hồ Chí Minh – người đã từng viết về nhiều vụ án, được bạn đọc biết đến là một nhà báo chân chính, dũng cảm, không ngại đấu tranh cho sự bình đẳng, cho cái tốt trong xã hội đã chia sẻ về những cảm xúc của cô trước những thông tin về các vụ thảm sát xẩy ra gần đây.
Nhà báo Thu Trang
“Khi vô tình nhìn thấy tấm hình của một phóng viên chụp gần hiện trường vị thảm án làm chết 4 người tại huyện Văn Yên – Yên Bái, một chiếc xe tải có chở theo hàng chục phóng viên trên thùng xe tải, bên dưới thùng xe còn những người đang đến… Tôi rùng mình nhớ đến 10 năm trước của mình. Tôi cũng từng như họ, bị chỉ đạo phải lao đến hiện trường để khai thác, bới lông, tìm vết…
Tất cả những thông tin liên quan đến vụ giết người nào đó. Vụ việc càng to (thiệt hại lớn về người và của) thì càng “hót”, tôi bị chỉ đạo phải đào xới tung lên, phải cho ra được tất cả những thứ gì độc nhất, lạ nhất một cách nhanh nhất để bán báo.
Có lần, 1 người thân của nạn nhân (người may mắn còn sống sót trong vụ thảm án đó) đang ngồi lặng lẽ bên thi thể người chết, gương mặt đau đớn chừng như không khóc nổi. Tôi biết là phải để cho họ ngồi yên như thế, phải để nỗi đau lắng xuống cho họ thở…
Vậy mà “sếp” liên tục thúc giục tôi phải phỏng vấn người nhà nạn nhân ngay trong số báo đó. Trước sức ép của công việc, tôi phải làm. Nhân vật nhìn tôi bằng ánh mắt ghê sợ, hoảng loạn, nỗi đau lại ùa về làm họ oà khóc tức tưởi… Nhưng không hề trả lời câu hỏi của tôi.
Tôi thấy câu hỏi của mình như mũi dao tàn nhẫn khoét sâu vào nỗi đau của nạn nhân. Thấy mình như loài kền kền, độc ác, vô cảm. Tôi bất nhẫn quá, không thể tiếp tục làm vậy được. Tôi lấy lý do bị ngộ độc thức ăn, phải và rời khỏi hiện trường, ra một quán cà phê ngồi khóc vì xấu hổ.
Từ đấy, tôi tránh đến những thảm án. Nếu phải làm, tôi sẽ chỉ đưa thông tin về vụ án, những gì cơ quan chức năng thông tin chứ không khai thác thêm lời kể. Tôi có đặt mình vào cảm giác của một độc giả để đọc về những vụ thảm án xảy ra trong thời gian gần đây. Cảm giác tức giận ứ lên tận cổ khi mà các bài báo khai thác cả hình ảnh, đời tư, quá khứ, chuyện tình cảm (vốn chẳng liên quan đến vụ án)của những người bị giết. Thậm chí ảnh của em bé sống sót mới 18 tháng tuổi cũng bị họ lục ra, đăng lên báo mà không cần che mặt.
Có lẽ họ chắc mẩm rằng, người thân của em đã chết và em thì quá bé… Không bao giờ kiện được báo nên cứ hồn nhiên đăng ảnh và thông tin liên quan đến họ? Chẳng nhẽ họ không dừng lại chút và nghĩ tới đứa bé và tương lai của nó. Một ngày nào đó, nó nhìn lại tất cả… Thì sao? Tôi thấy bạn đọc bây giờ có văn hoá lắm, họ sẽ tẩy chay nếu nhà báo tiếp tục “mông muội” như vậy.”
Tịnh Lam (ghi)
Tin cùng chuyên mục:
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố
Ukraine nói điều đáng sợ về tên lửa mới của Nga
Trừng phạt Nga hay cuộc ‘chiến tranh kinh tế’ tổng lực của phương Tây trên khắp thế giới