Còn ai dám động đến học sinh cá biệt?

Người xem: 186

Khoai@ 
 

Như đã dự báo, vụ nữ sinh tự tử nhằm phản đối quyết định kỷ luật của nhà trường, anh Hiệu trưởng và vài cô giáo đã bị treo phấn 15 ngày. Báo chí bắt đầu vào cao trào đấu tố anh Nhạ. 

Chuyện này làm tôi nhớ đến các CSGT hay CSTT hễ động chân động tay với lưu manh, côn đồ, cao bồi thôn hay “dân oan”… thì chưa cần biết đầu cua tai nheo thế nào, nhưng để xoa dịu dư luận thì cái quyết định tạm đình chỉ sẽ chềnh ềnh lên mặt báo.
 
Khi có cái quyết định dân túy như thế, các CSGT, CSTT do va chạm xã hội nhiều, đủ trải nghiệm để chỉ thấy buồn và cách duy nhất để tự bảo vệ mình là im lặng, mặc cho tiếng chì tiếng bấc hay gạch đá của dư luận. Nhưng các nhà giáo thì khác, quen sống trong môi trường chuẩn mực, nên khi gặp các sự cố như thế, họ thường hoang mang, sợ hãi. Và sau khi kiểm tra, xác minh xong, dù kết luận có thể là không vấn đề gì thì chắc chắn vết thương lòng còn đeo đuổi họ mãi. Đó thực sự là một trở ngại tâm lý cực lớn mỗi khi đứng lớp. 
 
Đây là điều mà ít người hiểu để cảm thông. 
 
Một anh nhà báo dính phốt tới mức bị đuổi khỏi báo này, chạy sang báo khác vẫn làm việc ngon lành. Nhưng các thầy cô thì khác, họ không đủ mặt dày và lỳ lợm để tửng từng tưng trước dư luận.
 
Trở lại câu chuyện anh Hiệu trưởng, chị Hiệu phó, cô chủ nhiệm trường gì đó có nữ sinh uống thuốc tự tử để phản đối quyết định kỷ luật của nhà trường làm nhiều người trăn trở. Tôi sẽ không bàn đến cái quyết định kỷ luật của nhà trường đối với nữ sinh đúng hay sai, chuyện đó để cho cơ quan có thẩm quyền kết luận. Ở đây tôi bàn tới những quyết định đình chỉ công tác của giáo viên. Không chỉ vụ này, đã có nhiều vụ việc tương tự liên quan đến xử lý học sinh vi phạm mà chưa cần biết đúng sai thế nào đã ngay lập tức ra quyết định đình chỉ công tác của cán bộ, giáo viên.
 
Không giống như các lĩnh vực khác, quyết định đình chỉ công tác của giáo viên là một quyết định hệ trọng, liên quan đến danh dự, uy tín của nhà giáo, của nhà trường và tác động trực tiếp đến thái độ của người học khi những giáo viên này đứng lớp. Khi thầy cô bị đình chỉ công tác thì ngay lập tức, hình ảnh của họ đã bị méo mó trong mắt học sinh với tiếng chì tiếng bấc. Đó mới là sức ép tâm lý nặng nề mà không chỉ những người bị đình chỉ mới phải chịu.
 
Được biết nữ học sinh này là học sinh không ngoan, hay nói cách khác là học sinh cá biệt. Một Fbker đã đặt câu hỏi rằng “Nữ sinh này có ngoan không?” rồi căn cứ vào những gì xảy ra trên thực tế để tự trả lời. Xin  trích nguyên văn:
 
“- Mặc áo dài quá mỏng, lộ nội y: bị nhắc nhở. 
 
– Chạy xe phân khối lớn, phụ huynh biết không? Biết chứ.
 
– Dùng điện thoại ghi âm thầy cô trong giờ học: Có phải dạng vừa không?. Không.
 
– Trước khi sự việc “nghi tự tử” xảy ta, nhà trường và giáo viên chủ nhiệm cũng đã mời phụ huynh đến làm việc. Tại đây, phụ huynh cũng đã nhận ra lỗi con mình, em học sinh cũng hứa sẽ nhận lỗi và khắc phục. Tuy nhiên sau đó thì em cố chấp và không chịu nhận lỗi với lý do… em tự thấy mình không có lỗi? Cua bẻ lái ngoạn mục, vậy em có quá cao tay không? Có biết lo sợ là gì không? Liệu có một giải pháp nào hữu hiệu hơn để áp dụng cho em này không?” – [Hết trích] 
 
Ngày này, khi báo chí không còn độc tôn trong thông tin thì người ta có nhiều kênh thông tin để tiếp cận, nhất là Facebook. Đọc những bài viết về vụ việc này trên Facebook, nhiều ý kiến cho rằng, “Nữ sinh này uống thuốc độc để tự tử” không phải xuất phát từ việc em xấu hổ vì bị nêu tên dưới cờ mà là xuất phát từ chuyện riêng tư”, “bạn này ham chơi, lười học, lăng nhăng”, hay “Nhìn nhận thực tế đi các bạn ơi. Chẳng ăn nhằm gì đối với một học sinh thích chơi hơn thích học này đâu. Đó chỉ là cái cớ thôi. Còn cái cớ để làm gì thì chính em và gia đình biết rõ hơn ai hết mà”….
 
Cá nhân tôi cho rằng, việc nữ sinh này tự tử thì lỗi trước hết và chủ yếu từ gia đình. Đừng khoán trắng việc giáo dục đạo đức cho nhà trường. Nhà trường có cố đến mấy mà phụ huynh lại chiều chuộng, khuyến khích các em làm điều không phải thì học sinh không bao giờ trở thành người tử tế. Muốn con mình nên người, học giỏi thì phụ huynh đừng nghĩ rằng bỏ tiền mua xe phân khối lớn cho con đi học, sắm điện thoại xịn cho con mang vào lớp là được. Đó không phải là thương con đúng cách. Và nữa, khi sự việc xảy ra, phụ huynh phủi trách nhiệm và lồng lộn lên, đổ lỗi cho thầy cô. Điều đáng trách, là khi sự việc được báo chí đẩy lên thì các cấp có trách nhiệm lại vội vàng ra quyết định tạm đình chỉ công tác  của các thầy cô 15 ngày.
 
Vâng, “quyết định tạm đình chỉ công tác” là một quyết định an toàn và luôn đúng. Thời hạn 15 ngày là đủ để điều tra, xác minh và kết luận. Quyết định ấy không sai, nhưng nó làm tổn thương nghiêm trọng đến danh dự uy tín của nhà giáo, làm ảnh hưởng đến chất lượng truyền thụ tri thức của thầy cô. 
 
Với cái quyết định ấy, nhiều thầy cô sẽ học theo lãnh đạo để chọn cho mình cách hành xử an toàn hơn, nhưng chắc chắn hậu quả của nó là sẽ có nhiều học sinh “mất dạy” hơn. Hôm trước nữ sinh nhận lỗi trước nhà trường, nhưng chỉ sau một đêm, cô phủi sạch và cho rằng mình không có lỗi. Sau này lỗi sẽ không chỉ như thế mà sẽ là đánh chửi lại cả thầy cô và thậm chí khi trở thành người có chức có quyền, chúng sẽ phủi trách nhiệm như phủi lỗi đã nhận với nhà trường hôm qua và sẽ có những quyết định liều lĩnh vô cảm hơn khi giải quyết các sự vụ. 
 
Cuối cùng, thay cho lời kết, xin trích một câu của một Fbker: “Cái quy định không được nêu tên học sinh, nhắc nhở dưới cờ đã có tác dụng rồi đó. Kết quả là học sinh vịn vào quy định ấy mà phản pháo, phụ huynh được nước tấn tới, thầy cô bị đình chỉ và xã hội lắc đầu ngao ngán… Chẳng biết rồi đây có thầy cô nào dám đụng đến học sinh cá biệt nữa không? Hay cứ nghiễm nhiên mặc kệ vì… ngại và sợ lắm rồi”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *